FTA liệu có mở đường cho nông thủy sản và thực phẩm Việt Nam vào châu Âu?

01/11/2013    116

Các nước Tây Âu vốn được biết đến là một khu vực thị trường rất khó tính đối với hàng nông thủy sản và thực phẩm của Việt Nam không chỉ bởi hàng rào thuế quan vẫn duy trì ở mức cao mà còn bởi những quy định khắt khe về kiểm dịch động thực vật (SPS).Vì vậy,doanh nghiệpđang trông đợi vào các FTA với khu vực này đểcó thể cải thiện tình hình xuất khẩu nông thủy sản và thực phẩm của Việt Nam sang khu vực thị trường tiềm năng mà khó khăn này.

Hiện tại, Việt Nam đang đồng thời đàm phán các FTA song phương với EU và Khối thương mại tự do châu Âu - EFTA (gồm 4 nước nằm ngoài EU là Na Uy, Thụy Sỹ, Ai-xơ-len và Lich-ten-xtanh). Các hiệp định này hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế quan mạnh cho hàng nông hải sản và thực phẩm của Việt Nam. Và một khi thuế quan đã được dỡ bỏ thì vấn đề còn lại là làm sao hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể vào được các thị trường này. Đàm phán về vấn đề SPS, vì thế, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong các hiệp định này.

Tại Hội thảo “Giới thiệu Hệ thống SPS tại các nước EFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức (tại Hà Nội ngày 1/10/2013 và TP.HCM ngày 3/10/2013) các chuyên gia SPS của khối EFTA cho biết các quy định SPS của khối EFTA cũng tương tự như các quy định SPS của EU và vì thế hàng hóa chỉ cần đáp ứng được các tiêu chuẩn SPS của EU là có thể tự do lưu chuyển ở cả hai khu vực. Sở dĩ có sự thống nhất này là vì các nước EFTA mặc dù không thuộc EU nhưng đều có các hiệp định với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) nên tất cả các quy định SPS của EFTA đã được hài hòa hóa với các quy định SPS của EU và EFTA cũng trao toàn quyền cho EU trong vấn đề này.

Tuy nhiên, điều đó sẽ càng gây khó khăn hơn cho Việt Nam bởi để giảm bớt hoặc hạn chế các quyền ban hành các quy định SPS của khối EFTA có nghĩa Việt Nam cũng phải đạt được sự đồng thuận của EU trong đàm phán FTA với khu vực này.

Trong khi đó, các chuyên gia và quan chức về SPS của khối EFTA cho biết EFTA hay EU đều có quan điểm rất cứng rắn về vấn đề SPS và không có ý định hạ thấp các tiêu chuẩn này trong các FTA nên cũng khó có thể có ngoại lệ nào riêng cho Việt Nam.

Nhưng nếu các quy định SPS không được cải thiện thì dù thuế quan có về không, liệu hàng nông thủy sản và thực phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường này?

Theo quy định SPS của EU, tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu sang thị trường này đều bị kiểm tra tại các chốt kiểm soát ở biên giới theo hình thức kiểm tra ngẫu nhiên khoảng 10% số lượng lô hàng. Tuy nhiên, nếu một lô hàng bị phát hiện có vấn đề về vệ sinh dịch tễ thì 10 lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra toàn bộ một cách kỹ lưỡng.

Đáng lưu ý, một nước sẽ chỉ được xuất khẩu một sản phẩm từ động vật nếu nước đó thuộc danh sách các nước được xuất khẩu sản phẩm đó sang EU, và cũng chỉ các đơn vị sản xuất nằm trong danh sách đảm bảo của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu gửi sang EU và được EU chấp nhận mới được xuất khẩu sản phẩm đó. Hiện tại chỉ có hai loại sản phẩm có nguồn gốc động vật của Việt Nam được xuất khẩu sang EU là thủy sản và động vật thân mềm hai mảnh vỏ.

Đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nước xuất khẩu phải tuân thủ các quy định SPS của EU trong quá trình nuôi trồng sản xuất. Và hàng xuất khẩu sang EU tuy không bị kiểm tra nghiêm ngặt như các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng cũng sẽ bị kiểm tra ngẫu nhiên bởi các nước thành viên trong quá trình nhập cảnh hoặc sau khi đã được bán ra thị trường.

EU cũng duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó sẽ không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI