EU, Hoa Kỳ kết thúc vòng đàm phán FTA đầu tiên

01/11/2013    122

Vòng đàm phán đầu tiên Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Hoa Kỳ đã diễn ra từ ngày 8-12/7/2013. Trong số 21 chương dự kiến của Hiệp định, vòng đàm phán đầu tiên tập trung nhiều nhất vào các vấn đề như đầu tư, lao động và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) – đây cũng là những vấn đề hiện có nhiều bất đồng nhất giữa EU và Hoa Kỳ.

Về vấn đề đầu tư, mặc dù theo thông tin từ các nhà đàm phán thì vòng đầu tiên hai bên chưa đi sâu vào thảo luận về nội dung, nhưng một quan chức thương mại cũ của Hoa Kỳ đã nhận định đây sẽ là một trong những vấn đề đàm phán khó khăn nhất giữa hai nước do có nhiều xung đột về lợi ích.

Theo dự thảo mới nhất bị tiết lộ ngay trước vòng đàm phán, Chỉ thị đàm phán của EU đã yêu cầu áp dụng thêm nhiều hạn chế đối với cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước-nhà đầu tư (ISDS) trong TTIP bởi có rất nhiều quan ngại của các nước thành viên về cơ chế này. Cụ thể, bản dự thảo Chỉ thị nêu rõ cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư sẽ không áp dụng đối với các điều khoản về tiếp cận thị trường nhằm hạn chế phạm vi áp dụng của cơ chế này.

Mặc dù một số nước thành viên EU đã từng ký các hiệp định đầu tư trong đó bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư, nhưng cơ chế này đều chỉ áp dụng với đối với các nghĩa vụ sau khi khoản đầu tư đã được thực hiện, hay còn gọi là các nghĩa vụ hậu đầu tư và không áp dụng đối với các nghĩa vụ ở giai đoạn tiền đầu tư – tiếp cận thị trường. Các thành viên này lo lắng việc mở rộng phạm vi của cơ chế ISDS sẽ tạo cơ hội cho vô số các đơn kiện của các công ty nước ngoài mà thậm chí chưa từng đầu tư vào các nước này.

Đối với SPS, đây là vấn đề tranh cãi từ lâu giữa EU và Hoa Kỳ, bởi Hoa Kỳ có thế mạnh về xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến sẵn, trong khi EU lại dựng lên các hàng rào SPS rất cao, đặc biệt đối với thực phẩm biến đổi gen của Hoa Kỳ vì cho rằng các loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Một vấn đề cũng gây nhiều tranh cãi khác là việc EU sử dụng nguyên tắc “cảnh báo sớm” cho phép EU có quyền đặt ra các biện pháp quản lý rủi ro ngay khi họ có căn cứ khoa học cho thấy mức độ an toàn của sản phẩm không đảm bảo, hoặc quy trình sản xuất không rõ ràng mà không phải đợi đến khi chứng minh được chúng gây tác hại xấu. Các nhóm nông nghiệp của Hoa Kỳ phản đối nguyên tắc này bởi cho rằng nó tạo ra các rào cản thương mại không cần thiết và muốn TTIP loại bỏ nguyên tắc này. Dự thảo Chỉ thị của EU không trực tiếp đề cập đến nguyên tắc “cảnh báo sớm” nhưng cách thể hiện trong đó cho thấy EU có ý định tiếp tục áp dụng nguyên tắc này.

Liên quan đến vấn đề lao động, dự thảo Chỉ thị của EU cho rằng các tiêu chuẩn lao động cơ bản trong các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quôc tế (ILO) “là một thành tố thiết yếu cần đưa vào các hiệp định thương mại” và có thể bổ sung thêm các tiểu chuẩn và Công ước khác của ILO nếu cần thiết. Điều này có thể mâu thuẫn với Hoa Kỳ vì trong khi các quốc gia thành viên EU đã phê chuẩn cả 08 Công ước cơ bản của ILO, Hoa Kỳ mởi chỉ phê chuẩn 02 trong số đó.

Ngoài ra, các quy định về lao động của EU cũng cao hơn nhiêu so với của Hoa Kỳ. Một số tổ chức công đoàn của Hoa Kỳ và quốc tế cho rằng TTIP sẽ là cơ hội để tăng cường pháp luật lao động nội địa của Hoa Kỳ, trong khi các nhóm doanh nghiệp và đồng minh của họ trong Quốc hội Hoa Kỳ lại phản đối việc này.

Một điểm đáng lưu ý khác là dự thảo Chỉ thị của EU không hề đề cấp đến bất kỳ một cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc nào trong việc thực thi các cam kết về lao động mà chỉ nói rằng cần thành lập những “kênh” giải quyết bất đồng một cách hiệu quả như cơ chế tham vấn giữa các chính phủ và cơ chế đánh giá khách quan của bên thứ ba.

Một vấn đề khác không được thảo luận nhiều tại vòng đàm phán đầu tiên nhưng cũng tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông trong thời gian qua là vấn đề Sở hữu trí tuệ trong TTIP. Chỉ thị EC yêu cầu loại bỏ các điều khoản thực thi thông qua phạt hình sự đối với các vi phạm về sở hữu trí tuệ. Nghị viện châu Âu đã từng không thông qua Hiệp định chống giả mạo thương mại (ACTA) vì một trong những lý do là có điều khoản về trừng phạt hình sự. Ủy ban châu Âu cũng đã thất bại khi có ý định đưa điều khoản này vào đàm phán FTA với Canada hồi năm ngoái. Trong một bài phát biểu vào tháng 3 năm nay, Cao ủy thương mại EU ông Karel De Gucht nói rằng Ủy ban không có ý định mở lại thảo luận về Hiệp định ACTA “thông qua cánh cửa sau” là các FTA.

Vòng đàm phán tiếp theo của TTIP theo dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 7/10/2013 tại Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, do hậu quả của tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ, vòng đàm phán này đã bị hoãn lại và chưa có một lịch trình mới nào được đưa ra.

Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI