Những lựa chọn cho Việt Nam
30/10/2013 13Đàm phán FTA đã và sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo cho công tác hội nhập giai đoạn “hậu WTO” của Việt Nam. Để triển khai đàm phán FTA cần phải thiết lập các nguyên tắc chủ đạo nhằm định hướng việc lựa chọn đối tác cũng như nội dung đàm phán.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Thị trường quốc tế giữ vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng gạo, cà phê, chè, hạt điều, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy - hải sản… bắt buộc phải có thị trường thế giới. Do đó, phát triển thị trường xuất khẩu không chỉ có ý nghĩa thương mại mà còn góp phần cải thiện đời sống hàng chục triệu nông dân, người thu nhập thấp.
FTA là công cụ hữu hiệu để hàng Việt Nam được hưởng các đãi ngộ ưu đãi khi tiếp cận các thị trường tiềm năng, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề liên quan thuận lợi hóa thương mại (tiêu chuẩn kỹ thuật, thủ tục hải quan...). Phù hợp nhu cầu khách quan của nền kinh tế
Về bản chất, FTA là sự đánh đổi các cam kết mở cửa thị trường của một nước lấy các cơ hội tiếp cận thị trường đối tác. Việc các doanh nghiệp không phát huy được các cơ hội trong FTA đồng nghĩa với việc nước đó bị thua thiệt. Bởi vậy, một FTA thành công không chỉ phụ thuộc bản thân kết quả đàm phán mà điều quan trọng nhất nó phải phù hợp với nhu cầu, năng lực của nền kinh tế.
Đối tượng và nội dung đàm phán phải được thiết lập trên cơ sở nhu cầu của nền kinh tế và các doanh nghiệp, tính đến dự báo về triển vọng phát triển. Cần tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp và giới học giả có thể đóng góp ý kiến, giữ vai trò phản biện xã hội trong quá trình hoạch định và triển khai các chính sách thương mại quốc tế. Việc Thủ tướng ban hành Quy chế tham vấn doanh nghiệp trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại là một động thái tích cực nhằm giúp các doanh nghiệp sớm nhận thức được những cơ hội và thách thức từ các hiệp định sắp ký kết.
Sau hơn nửa thập kỷ là thành viên WTO, môi trường thương mại Việt Nam đã được cải thiện sâu sắc, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đàm phán FTA đã và sẽ là xu thế chủ đạo trong tiến trình hội nhập “hậu WTO” của Việt Nam. |
Khắc phục hiệu ứng “chuyển hướng thương mại”
Đối ngược với tác động tích cực tạo “tăng trưởng thương mại” của FTA là hiệu ứng gây “chuyển hướng thương mại”. Thương mại nội khối có xu hướng gia tăng. Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm từ các nước thành viên FTA bởi lợi thế giá rẻ chứ không hoàn toàn do chất lượng tốt.
Điều đáng lưu ý là trong các FTA Việt Nam đã ký có Hàn Quốc và Trung Quốc là hai đối tác mà Việt Nam đang nhập siêu ở mức rất cao. Sử dụng các cam kết mở cửa thị trường trong các thỏa thuận đã ký làm “vốn” để đàm phán FTA với các đối tác khác sẽ giúp chúng ta đạt nhiều mục đích, trong đó có vấn đề lành mạnh hóa cán cân thương mại. Hàng hóa Trung Quốc, Hàn Quốc phải cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa từ các nước khác trên thị trường Việt Nam sẽ giúp kiềm chế bớt thâm hụt thương mại với các đối tác này. Đồng thời, khi hàng hóa từ nhiều quốc gia cạnh tranh trên thị trường, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mua hàng giá rẻ, chất lượng tốt hơn.
Củng cố, tăng cường quan hệ chính trị truyền thống
Có một nhà kinh tế đã nhận định: Trong nền kinh tế thị trường, tình bạn dựa trên lợi ích kinh tế bền vững hơn quan hệ kinh tế dựa trên tình bạn. Chúng ta có những tình bạn hình thành và thử thách qua các biến cố lịch sử, sẽ có điều kiện phát triển hơn khi được củng cố bằng các quan hệ đối tác kinh tế.
Những quan hệ hữu nghị với Nga, Ucraina, Lào và Campuchia... cần phải được hiện thực hóa và củng cố bằng các thiết chế thương mại để phản ánh đúng tiềm năng quan hệ cũng như ý nghĩa chiến lược của các nước này trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc Nga trở thành thành viên WTO là tiền đề quan trọng cho đàm phán FTA. Với Lào và Campuchia, chúng ta đang có những cơ chế hợp tác đặc biệt về chính trị và kinh tế. Một mô hình liên kết kinh tế chặt chẽ hơn sẽ giúp tăng cường các quan hệ hữu nghị truyền thống vốn có và tạo thuận lợi hơn cho đầu tư, cũng như việc đi lại, làm ăn, sinh sống của người Việt tại các thị trường này.
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Tác động thuế quan đa chiều lên các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
- Doanh nghiệp gỗ Việt Nam xoay xở trước 'vòng kim cô' thuế của Mỹ
- Lấy áp lực từ thị trường nhập khẩu làm động lực thay đổi doanh nghiệp Việt
- Làn sóng tẩy chay của người Canada khiến nhiều vùng nước Mỹ điêu đứng
- Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại - bảo vệ xuất khẩu hàng hóa Việt