Tin tức

Bài toán nào đẩy mạnh hàng xuất khẩu vào EU?

24/10/2013    11

Việt Nam đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nước thuộc khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA). Bên cạnh việc đàm phán cắt giảm và loại bỏ thuế quan, Việt Nam còn đang tiến hành đàm phán về hệ thống kiểm dịch động thực vật (SPS).

Đây là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hàng nông sản và thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên EFTA nói riêng và các nước Châu Âu nói chung. Tuy dân số chỉ trên 13 triệu người nhưng các nước EFTA bao gồm Thuỵ Sỹ, Ai xơ len, Na uy và Lichtenxtanh có GDP tới hơn 1100 tỷ USD, đứng thứ 11 trên thế giới. EFTA là một liên kết kinh tế rất năng động và là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng của Việt Nam.

Tuy không tham gia Liên minh Châu Âu (EU) nhưng các nước này đều được hưởng quy chế thành viên thị trường chung EU. Do đó nếu Việt Nam ký kết được Hiệp định thương mại tự do với EFTA thì cũng sẽ thuận lợi hơn khi đưa sản phẩm vào thị trường EU. Trong đó kiệm dịch động thực vật SPS là một trong những vấn đề mấu chốt của quá trình đàm phán để giúp Việt nam xuất khẩu mạnh hơn vào thị trường này và cả các nước Châu Âu nói chung.

Theo ông Stale Risa, Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam, hệ thống SPS rất quan trọng bởi nó bảo đảm rằng người tiêu dùng sẽ được sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng. Khối EFTA đề ra những tiêu chí khá cao đối với hệ thống SPS nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Các tiêu chí SPS của EFTA cũng khá giống với các tiêu chí SPS của EU và phù hợp với các tiêu chí SPS của Tổ chức thương mại Thế giới.

Hệ thống kiểm dịch động thực vật SPS của khối EFTA là biện pháp kiểm định với nhiều nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản xuất sản phẩm từ động thực vật. Từ đó bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Hệ thống SPS của khối EFTA áp dụng gần như nhất thể với hệ thống SPS của các nước EU.

Do vậy, để xuất khẩu hàng nông nghiệp, thủy sản sang EFTA thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đáp ứng yêu cầu SPS của EU. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu hàng hóa có nguồn gốc động, thực vật của Việt Nam xuất khẩu sang được EFTA là lưu thông được trong EU và ngược lại. Đây là điều kiện tốt để Việt Nam có thể tận dụng và mở rộng thị trường khi áp dụng đúng hệ thống SPS này.

Còn bà Tone Matheson, chuyên gia EFTA tại Geneva Thuỵ Sỹ lại cho rằng, SPS là hệ thống có mức độ hài hòa hóa cao nhất giữa EFTA với EU. Ngày nào Việt Nam được cấp phép thì cũng có nghĩa là được đưa sản phẩm hàng hóa có chứng nhận SPS vào EFTA, các nước EFTA không được phép ngăn cản.

“Chỉ có EU mới được cấp phép và khi đặt chân vào thị trường này chỉ kiểm tra tại một điểm duy nhất và hàng hóa được lưu thông tự do. Tuy nhiên, EU sẽ kiểm tra 20% lô hàng nếu đó là hàng hóa đặc biệt và nếu chỉ có 1 lô hàng bị chặn lại thì các lô hàng tiếp theo cũng bị chặn lại do chất lượng không đảm bảo sức khỏe với người tiêu dùng và hàng hóa sẽ không được tiếp tục nhập khẩu vào EU nữa”, bà Tone Matheson nhấn mạnh.

Nắm vững hệ thống SPS tại các nước EFTA sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt nam hiểu rõ hơn về hệ thống kiểm dịch động thực vật mà các nước thành viên EFTA đang áp dụng. Và để tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu này cũng đòi hỏi các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng phương án đàm phán doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng phương án đám phán hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực SPS với khối FFFTA.

 Nguồn: http://baocongthuong.com.vn