Cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ
16/10/2013 13Điện thoại các loại và linh kiện đã nhanh chóng vượt lên đứng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu (XK) thời gian qua. Đây cũng là mặt hàng đầu tiên có kim ngạch XK có thể vượt qua mốc 20 tỷ USD trong năm 2013.
Theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2013, XK điện thoại và linh kiện đạt 15,1 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng kim ngạch XK. Nếu năm 2009, mặt hàng điện thoại và linh kiện, còn đứng thứ 9, thì năm 2010 đã vượt lên đứng thứ 4 (sau dệt may; dầu thô; giày dép); năm 2011 và 2012 vượt lên đứng thứ 2 (sau dệt may); 9 tháng năm 2013 vượt lên đứng đầu trong các mặt hàng XK.
Ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam - cho biết, từ kim ngạch 9 tháng đầu năm, có thể dự đoán khả năng cả năm 2013, XK mặt hàng điện thoại có thể vượt qua mốc 20 tỷ USD.
Ngoài ra, mặt hàng điện thoại và linh kiện có thị trường XK lớn trong 9 tháng, trong đó Liên minh châu Âu đạt 5,4 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng kim ngạch XK; Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đạt 2,27 tỷ USD, tăng 156% so với cùng kỳ; Ấn Độ đạt 642 triệu USD, tăng 163% so với cùng kỳ…
Ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, các mặt hàng điện thoại XK của Việt Nam tăng chủ yếu do khu vực các DN FDI sản xuất (chiếm tới 99%) và đã có mặt tại nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Các DN Việt Nam cần chủ động liên doanh, liên kết hoặc trở thành DN vệ tinh cho những thương hiệu điện tử quốc tế, bởi bên cạnh tăng trưởng XK còn chọn đúng phân khúc thị trường tiêu thụ nội địa thì hiệu quả tăng trưởng mới bền vững. |
Cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ
Dù kim ngạch thu về từ hoạt động XK nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện cao, tuy nhiên giá trị gia tăng đạt được lại thấp vì phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu. Thực tế, DN điện tử nội địa mới chỉ đóng góp một phần nhỏ vào kim ngạch XK bởi chủ yếu là gia công, lắp ráp cho các công ty nước ngoài.
Ông Trương Thanh Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - cho hay, trước mắt cần phải có chính sách thiết thực và có đầu mối liên kết DN Việt Nam để tham gia cùng với các DN FDI đầu tư, phát triển trước ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ đắc lực cho ngành điện tử.
Thực tế, các DN FDI cũng nhận được nguồn cung cấp các linh kiện điện thoại, điện tử, đầu dây nối, USB... từ phía các DN điện tử Việt Nam. Theo ông Ivan Herd- Tổng giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam (Bắc Ninh), Nokia hiện sử dụng nguyên vật liệu từ khoảng 10 nhà cung cấp điện tử trong nước. Đây chính là cơ hội thuận lợi để DN điện tử Việt Nam nắm bắt khai thác, phát triển công nghiệp phụ trợ.
TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhìn nhận, việc thu hút các dự án đầu tư lớn như của Samsung sẽ góp phần quan trọng kéo các nhà đầu tư nhỏ và vừa vào Việt Nam, tạo sức lan tỏa đến các hệ thống DN chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Quan trọng là phải phát triển công nghiệp phụ trợ dựa trên các dự án lõi như Samsung.
Cũng theo ông Lê Ngọc Sơn, các DN điện tử Việt Nam nên cố gắng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm linh kiện của các tập đoàn có thương hiệu và thị trường toàn cầu để nâng cao trình độ sản xuất và làm chủ công nghệ, tiến tới tạo được sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ nội địa hóa cao. Với lắp ráp và công nghiệp phụ trợ phải quy hoạch lại thành các DN chuyên nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao để tham gia chuỗi sản xuất hàng điện tử toàn cầu.
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam