FTA Việt Nam - EU: Thách thức với nông sản Việt
02/10/2013 16Ông Jean Jacques Bouf let- Trưởng phòng Thương mại và kinh tế, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam- cho hay, tăng trưởng xanh, kinh doanh bền vững là một chương quan trọng trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU.
Thâm nhập vào thị trường rộng lớn
EU được xác định là thị trường lớn của hàng nông sản Việt Nam, trong đó cà phê, thủy sản, gỗ, phụ phẩm gỗ là các mặt hàng chủ lực mà nông sản Việt Nam xuất sang EU.
Bà Đinh Thị Thanh Huyền - Phó Trưởng phòng Hội nhập và đầu tư (Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT)- cho hay, khi FTA có hiệu lực, trao đổi thương mại nông sản sẽ có bước tiến đáng kể và tạo thuận lợi cho các mặt hàng này tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU, mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng nông sản Việt Nam. Mặt khác, thị trường EU có sức lan tỏa mạnh mẽ, nếu một mặt hàng vào được một thị trường thì có thể vào các nước khác của EU.
Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều trở ngại khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này, theo bà Huyền, nổi cộm nhất là chất lượng. EU là thị trường khó tính, yếu tố bền vững là một yêu cầu để tiếp cận thị trường; nhãn hiệu thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh được người tiêu dùng EU quan tâm. “EU có yêu cầu cao về chất lượng, chứng nhận về an toàn lương thực thực phẩm, nuôi trồng sạch; các quy định về sản phẩm NK lại liên tục thay đổi. Trong khi đó các quy định của EU không thể một sớm, một chiều mà DN Việt Nam đáp ứng ngay được” - bà Huyền nói.
Việt Nam đang xúc tiến thành lập trung tâm phân phối hàng XK nông, lâm, thủy sản tại Bỉ, làm bàn đạp đưa hàng thủy sản thâm nhập vào thị trường này, từ đó lan tỏa ra các thị trường khác của EU. |
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản EuroCham (Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam)- cho rằng: Việt Nam phải xây dựng một cơ quan chuyên trách về an toàn lương thực thực phẩm, vì hiện nhiều cơ quan chịu trách nhiệm chung, dẫn tới đôi khi DN phải chi phí hành chính không cần thiết. Ngoài ra, cũng cần có cơ quan cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, tổ chức đào tạo cho nông dân để họ thấy tác hại của thuốc trừ sâu, giúp họ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. “Hiện nay thế giới biết đến Việt Nam là nước xuất khẩu (XK) gạo, cà phê, điều hàng đầu khu vực, nhưng chủ yếu là sản phẩm XK thô, giá rẻ. Nếu thực thi tiêu chuẩn an toàn lương thực thực phẩm tốt thì người tiêu dùng EU sẽ tự tin hơn khi mua sản phẩm chế biến thay vì mua sản phẩm thô, điều này sẽ giúp nông dân bán được giá cao hơn, thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển”- ông Gabor Fluit bày tỏ.
Để có thể vận dụng tối đa lợi ích FTA mang lại, bà Huyền - cho biết: Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm nông sản Việt Nam tại châu Âu có giá trị XK cao như cà phê, hạt điều, rau qua, gia vị, hoa quả nhiệt đới. Bên cạnh đó, sẽ phát triển công nghiệp phụ trợ cho sản phẩm chế biến, nâng cao nhận thức cho DN về các quy định của EU đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Khuyến khích phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp xanh, liên kết giữa nông dân và DN theo ngành hàng. Tăng cường vai trò hiệp hội ngành hàng trong việc thành lập các trung tâm phân phối hàng nông sản tại EU.
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam