Tin tức

Thêm cơ hội cho hàng hóa Việt vào EU

30/09/2013    27

Theo Quy chế GSP mới của EU, chỉ có 89 nước được hưởng ưu đãi GSP của EU với số lượng các dòng thuế được hưởng ưu đãi tăng lên từ ngày 1/1/2014 thay vì 176 nước như hiện nay. Trong đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước được hưởng ưu đãi từ GSP mới này.

Cửa rộng cũng thêm thách thức

Ông Jean Jacques Bouflet- Tham tán Công sứ về  Thương mại thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, ngày 31/12/2012, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố Quy chế GSP sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển. Theo Quy chế GSP mới của EU, chỉ có 89 nước được hưởng ưu đãi GSP của EU với số lượng các dòng thuế được hưởng ưu đãi tăng lên từ ngày 1/1/2014 thay vì 176 nước như hiện nay. Trong đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước được hưởng ưu đãi từ GSP mới này. Tuy nhiên, theo những quy định mới của EU cũng sẽ có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có nguy cơ không được hưởng ưu đãi GSP.

Về thương mại, năm 2012, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và EU đạt 29,09 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2011 và chiếm 12,7%  tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,7% (tương ứng tăng 3,76 tỷ USD) so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thị trường thế giới. EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Các chuyên gia thị trường EU đều cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng GSP mới để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng truyền thống sang EU cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho khả năng những mặt hàng đã đạt mức “trưởng thành” sẽ không được hưởng ưu đãi GSP tại thị trường EU trong thời gian tới. Với Việt Nam, ngoài các sản phẩm hiện đang được hưởng ưu đãi thuế quan GSP của EU, sẽ có thêm hai nhóm hàng khác được hưởng ưu đãi thuế quan này từ ngày 1/1/2014 là: giày dép, và mũ, ô (dù)…

Ông Franz Jessen- Đại sứ Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam- cho rằng: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu Việt Nam sang EU một phần  nhờ vào những lợi ích mà GSP mang lại. Ví dụ, khoảng 49% kim ngạch xuất khẩu giầy dép của Việt Nam vào thị trường EU được hưởng thuế ưu đãi GSP. Từ năm 2014, một số sản phẩm xuất khẩu, trong đó có cả giầy dép, sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi hơn theo GSP mới, nhờ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam. Do đó, hiểu rõ quy chế GSP mới của EU sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam”.

Dù quy chế GSP mới của EU có nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, song theo một số chuyên gia quy chế GSP cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng vụ thị trường châu Âu (Bộ Công thương) phân tích: dù tiêu chí “trưởng thành” của EU nâng từ 15% lên 17,5% đối với các nhóm hàng hóa (trừ dệt may nâng từ 12,5% lên 14,5%) nhưng thách thức đối với Việt Nam lại tăng đáng kể do rất nhiều nước đang phát triển có trình độ cao hơn Việt Nam sẽ không được hưởng GSP của EU nữa, nên thị phần hàng nhập từ Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP của EU và rất dễ đạt tới “ngưỡng trưởng thành” và không còn được hưởng ưu đãi GSP nữa. Đơn cử như đối với mặt hàng cà phê, thị phần của cà phê Việt Nam theo GSP hiện hành là 12,11%, nếu áp dụng GSP mới thị phần của cà phê Việt Nam có thể lên tới 21,68%, vượt ngưỡng trưởng thành. Còn đối với giày dép Việt Nam vừa được EU cho hưởng lại GSP nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm hàng này đạt 34% vượt ngưỡng trưởng thành.

Cũng theo ý kiến của một chuyên gia về thị trường EU, từ năm 2014, có sự thay đổi trong quy tắc xuất xứ theo GSP mới. Cụ thể, việc cộng gộp trong khu vực ASEAN sẽ thay đổi: Malaysia đã “trưởng thành” và Singapore đã ký FTA, đầu vào từ các quốc gia này sẽ không còn đủ cộng gộp cho GSP khu vực tích lũy. Do đó, Việt Nam bây giờ chỉ có thể cộng gộp với các nước ASEAN còn lại. Khi Việt Nam ký FTA với EU thì Việt Nam cũng không còn đủ điều kiện cho cộng gộp khu vực theo GSP. Bên cạnh đó, một số ý kiến của các doanh nghiệp cũng cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định Tự do thương mại với EU, vì trong 3 năm tới, các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam (như giầy dép, dệt may, thủy sản…) có thể không còn được hưởng ưu đãi GSP của EU.

Hiểu rõ GSP để bắt lấy cơ hội

VCCI Đà Nẵng nêu rõ những khó khăn và vướng mắc hiện nay của DN khi thực hiện GSP đó là: không biết hoặc chưa hiểu rõ về các chế độ ưu đã thuế quan hiện đang được áp dụng và lợi ích do nó mang lại; đặc biệt là các quy định trong quy tắc xuất xứ hàng hóa. Các DN còn lúng túng trong việc chứng minh hàng hóa của mình có đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ để được cấp các loại form C/O ưu đãi hay không. Thậm chí, có nhiều trường hợp DN đã không được thanh toán tiền hàng, bị phạt vi phạm hợp đồng do không nắm rõ về GSP  mà vẫn ký cam kế khi cung cấp form A cho khách hàng mà không biết form A là gì, điều kiện để được cấp, …

Mặc dù hằng năm đơn vị này vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về C/O kết hợp phổ biến về các chế độ ưu đề xuất với chủ DN về cách thức xâm nhập thị trường qua GSP do ngại hoặc bản thân họ cũng không hiểu rõ về GSP. Cho nên, các DN thiếu quan tâm, không chú trọng tìm hiểu về GSP. Và trên thực tế, khi xuất khẩu hoay làm các loại form C/O ưu đãi, các DN chỉ thụ động làm theo yêu cầu của khách hàng chứ không hiểu rõ ý ngĩa của việc xác định xuất xứ hàng hóa và sự khác biệt về lợi ích giữa các loại form này. Điều này đã làm mất đi những cơ hội tận dụng các chế độ ưu đãi như là một lợi thế cạnh tranh trong đàm phán, ký kết hợp đồng của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, để bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả ưu đãi từ GSP mới của EU, các DN, các hiệp hội ngành hàng, nhất là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao, có khả năng bị coi là “trưởng thành” không được ưu đãi nữa, cần sớm thông tin, tuyên truyền để các DN thành viên của hiệp hội nhận thức rõ về GPS và những khó khăn sẽ phải vượt qua, cùng các DN thành viên thảo luận, đề xuất, áp dụng những biện pháp cần thiết đem lại hiệu quả cao nhất cho từng DN và cho cả ngành hàng.

 Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn