Giới thiệu Hiệp định thương mại tự do EU-Singapore

24/09/2013    147

Các cuộc đàm phán giữa EU và Singapore về thương mại tự do đã được bắt đầu từ tháng 3/2010 và kết thúc vào tháng 12/2012. Đây là hiệp định đầu tiên hoàn thành trong số các hiệp định EU hiện đang đàm phán với các nước trong khu vực Đông Nam Á và có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ đơn thuần thúc đẩy quan hệ thương mại EU-Singapore: tạo nền tảng cho EU tiến vào toàn khu vực.

Các điểm nổi bật của hiệp định

Về nguyên tắc, EU và Singapore đã dành cho nhau sự đối xử tốt nhất trong số những đối xử đã dành cho các đối tác thương mại khác, và vượt xa hơn trong một số lĩnh vực lợi ích cụ thể.

EU và Singapore:

  • đã dành cho nhau những cam kết về dịch vụ và mua sắm chính phủ ở mức độ tốt hơn so với các cam kết tương ứng trong WTO. Singapore cũng đã dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU sự đối xử tốt hơn so với các nước khác trong nhiều lĩnh vực. Tương tự như vậy, ví dụ, các cam kết về đấu thầu công bao gồm nhiều lĩnh vực hợp đồng có giá trị. Đây là các lĩnh vực mà EU có nhiều nhà cung cấp hàng đầu.
  • đã đồng ý một khung pháp lý tiến bộ cho nhiều lĩnh vực dịch vụ như: viễn thông, dịch vụ bưu điện, dịch vụ tài chính và vận chuyển hàng hải quốc tế. Kết quả này sẽ đảm bảo tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp của một nước khi hoạt động tại thị trường của nước kia. Chương về dịch vụ cũng quy định sự mịnh bạch và không phân biệt đối xử trong quy trình cấp phép và chứng nhận cũng như quy định sự công nhận lẫn nhau trong tương lai đối với các chứng chỉ chuyên môn.
  • sẽ mở ra các cơ hội mới cho đầu tư trưc tiếp nước ngoài và bảo hộ ở mức độ cao hơn một khi các thảo luận đang diễn ra trong lĩnh vực này kết thúc.
  • sẽ loại bỏ hoặc ngăn chặn các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, như các yêu cầu về thử nghiệm kép đối với xe mô tô và các bộ phận, đồ điện tử hoặc một số công nghệ xanh nhất định.
  • EU sẽ loại bỏ gần như hoàn toàn tất cả các loại thuế quan trong vòng 5 năm. Singapore ràng buộc ở mức thuế bằng 0 mà đã được áp dụng cho hàng nhập khẩu của EU. Do đó, không thể áp đặt lại thuế quan một cách đơn phương.
  • sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu thịt dựa trên hệ thống kiểm tra quốc gia hiện đại, không phải hệ thống kiểm tra cá biệt với chi phí cao.
  • đồng ý bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ cao. Ví dụ, Singapore sẽ ban hành hệ thống đăng ký mới về chỉ dẫn địa lý và bảo hộ chỉ dẫn đia lý của châu Âu tại Singapore với mức độ bảo hộ cao hơn mức quy định trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs).
  • sẽ xây dựng khung pháp lý hiện đại cho các nhà xuất khẩu với các quy tắc về tăng cường minh bạch và cạnh tranh. Hiệp định cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả thông qua hội đồng trọng tài hoặc có sự tham gia của bên trung gian.

Cả hai bên cũng đã rất nỗ lực sử dụng hiệp định này như là công cụ khuyến khích sự phát triển xanh. Bên cạnh việc loại bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong một số công nghệ xanh, các nước này đã tập trung vào đấu thầu công xanh và tạo ra các cơ hội mới trong dịch vụ môi trường. Thuế đối với các sản phẩm môi trường sẽ được loại bỏ ngay lập tức.

FTA EU-Singapore cũng chứa đựng một chương quy định toàn diện về thương mại và phát triển bền vững. Mục đích của chương này là đảm bảo thương mại hỗ trợ cho việc bảo vệ môi trường, phát triển xã hội và thúc đẩy quản lý bền vững đối với lâm nghiệp và nghề cá. Chương này cũng quy định xã hội dân sự sẽ tham gia thực thi và giám sát chương này như thế nào.

Lợi ích kinh tế chủ yếu của hiệp định này

Cho đến nay, Singapore là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN. Thương mại hàng hóa giữa EU và Singapore đạt đỉnh 52 tỷ euro vào năm 2012 và thương mại dịch vụ đạt 28 tỷ euro vào năm 2011.  Đầu tư song phương tích lũy đạt 190 tỉ euro. Do đó, Singapore chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại EU-ASEN, và  hơn 3/5 tổng đầu tư giữa 2 khu vực. EU có cán cân thương mại thặng dư với Singapore.

Hơn 9300 công ty của EU hoạt động trong hàng loạt các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, đã thành lập chi nhánh đại diện tại Singapore và hoạt động như là trung tâm của toàn khu vực.

Bài phân tích kinh tế của Trưởng Nhóm Kinh Tế của DG Trade dự đoán rằng xuất khẩu của EU sang Singapore có thể tăng thêm khoảng 1,4 tỷ euro trong 10 năm. Xuất khẩu của Singapore sang EU có thể tăng thêm khoảng 3,5 tỷ euro, bao gồm cả xuất khẩu của nhiều công ty châu Âu được thành lập tại Singapore. Đáng lưu ý rằng các con số này chỉ là một sự ước tính thận trọng về lợi ích kinh tế có thể đạt được vì không thể định lượng chính xác hiệu quả của việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan.

Vì sự khác biệt lớn về quy mô của hai nền kinh tế, lợi ích của hiệp định này đối với mỗi bên cũng khác nhau đáng kể: bài phân tích ước tính rằng GDP thực tế của EU sẽ tăng thêm khoảng 550 tỷ euro trong 10 năm. Trong khi đó, nền kinh tế của Singapore có khả năng tăng trưởng thêm 2,7 tỷ euro trong khoảng thời gian này.

Tầm quan trọng của khu vực

Một FTA tham vọng với Singapore sẽ mở cánh cửa với các đối tác FTA khác trong khu vực Đông Nam Á, và cuối cùng là một hiệp định khu vực với cả nhóm ASEAN. Việc ký kết FTA cũng tăng cường uy tín của nghị trình thương mại của EU tại khu vực châu Á dựa vào động lực do FTA EU-Hàn Quốc mang lại.

Hiện EU đang theo đuổi đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên ASEAN là Malaysia, Việt Nam và Thái Lan. FTA có chất lượng cao với Singapore sẽ là cơ sở tham khảo cho các FTA này.

Trong việc mở rộng quan hệ với các nước có trình độ phát triển thấp hơn, các nền kinh tế đang phát triển năng động trong ASEAN chính là các thị trường chính cho các nhà xuất khẩu của EU. Với hiệp định tự do thương mại toàn diện mà EU đang đàm phán, EU đã tận dụng tiềm năng phát triển của khu vực này. Bằng việc bảo đảm các điều kiện tốt nhất có thể có cho các nhà xuất khẩu của EU, Ủy ban châu Âu đang hỗ trợ cho sự phát triển và việc làm tại châu Âu, phù hợp với chiến lược phát triển đến năm 2020 của EU.

Cũng cần lưu ý rằng các đối thủ cạnh tranh của EU trên toàn cầu hiện cũng đang đàm phán về các ưu đãi dành cho các công ty của họ, trong khuôn khổ của TPP và Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực. Thông qua việc đàm phán các ưu đãi tiếp cận thị trường, EU có thể bảo vệ các nhà xuất khẩu của họ trước việc mất đi tính cạnh tranh trong nhiều thị trường ở châu Á do việc các nước này ký kết FTA với các đối tác khác. EU cũng tìm kiếm thêm các cam kết từ các đối tác FTA mang lại những lợi ích cụ thể cho EU, ví dụ quy định các thực thể mua sắm công bổ sung, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ mà các công ty châu Âu có lợi thế cạnh tranh, bảo hộ chỉ dẫn địa lý châu Âu, hoặc yêu cầu phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật (ví dụ tiêu chuẩn đối với xe mô tô) phổ biến ở châu Âu.

Nguồn: http://europa.eu/

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO-VCCI