Tin tức

Khi nào Việt Nam áp thuế chống bán phá giá?

26/08/2013    15

Việt Nam đang tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ và chống bán phá giá (CBPG) lần lượt với dầu thực vật và thép không gỉ cán nguội nhập khẩu, nhưng khác với nhiều nước, Việt Nam tính đến lợi ích kinh tế-xã hội khi ra quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại này.

Thời báo Kinh tế Sài gòn Online đã có trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc này.

TBKTSG Online: Phát biểu trong một bài báo mới đây về CBPG thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam, bà cho biết, cơ quan điều tra sẽ xem xét ba điều kiện: thứ nhất, có việc bán phá giá hay không, thứ hai là ngành sản xuất trong nước có thực sự bị thiệt hại, thứ ba là thiệt hại đó có do nguyên nhân bán phá giá gây ra. Ngoài ra, dù đủ ba điều kiện trên thì biện pháp CBPG cũng sẽ không được áp dụng nếu được chứng minh là gây thiệt hại lợi ích kinh tế-xã hội của Việt Nam. Vậy điều kiện thứ tư này là điều kiện bắt buộc để Việt Nam ra quyết định trong vụ CBPG?

- Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Đúng vậy. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ quy định ba điều kiện, còn các nước có thể tự do thêm các điều kiện khác vào. Việt Nam có thêm điều kiện thứ tư và điều kiện này là bắt buộc.

Vậy làm sao doanh nghiệp có thể chứng minh là có hay không thiệt hại lợi ích kinh tế-xã hội?

- Doanh nghiệp đi kiện về nguyên tắc chỉ phải chứng mình ba điều kiện cơ bản. Còn điều kiện thứ tư là do cơ quan điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tự xem xét khi kết quả điều tra cho thấy các điều kiện kia đã đầy đủ.

Tất cả các doanh nghiệp (kể cả nguyên đơn, bị đơn), đối tượng liên quan (ví dụ các nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc áp thuế) đều được kêu gọi cung cấp thông tin để cơ quan điều tra xem xét chứ không phải trách nhiệm riêng của doanh nghiệp đi kiện.

Tất nhiên, nếu doanh nghiệp đi kiện không cung cấp thông tin liên quan thì cơ quan điều tra có thể chỉ xem xét trên cơ sở các thông tin từ các bên khác cung cấp, và vì vậy quyết định của cơ quan này liên quan tới điều kiện thứ tư có thể bất lợi cho doanh nghiệp.

Thực ra mục đích của các biện pháp phòng vệ thương mại là bảo vệ ngành sản xuất nội địa bằng cách đánh thuế làm tăng giá bán của hàng nhập khẩu. Việc này ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nếu vậy, có phải chăng, với việc áp dụng điều kiện thứ tư, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ khó có thể áp dụng tại Việt Nam để bảo vệ ngành sản xuất trong nước?

- Mục đích của các biện pháp phòng vệ thương mại, về nguyên tắc, là chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, bán hàng được trợ cấp) hoặc chống lại hành vi nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại nghiêm trọng chứ không phải mục đích là bảo hộ sản xuất nội địa, mặc dù trên thực tế nhiều nước đã lạm dụng công cụ này để bảo vệ sản xuất nội địa.

Điều kiện thứ tư này đã được quy định trong pháp luật. Cá nhân tôi cho rằng đây là điều kiện hữu ích để bảo vệ lợi ích của các bên liên quan trong một vụ việc, đặc biệt là người tiêu dùng, người sản xuất sử dụng sản phẩm bị điều tra để sản xuất tiếp. Tất nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể sửa pháp luật để bỏ đi điều kiện thứ tư này, nhưng nếu được có ý kiến, tôi sẽ phản đối việc bỏ điều kiện này.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn