Tin tức

Cuộc chơi thương mại tự do

09/08/2013    13

Trong khi Vòng đàm phán Doha của WTO vẫn chưa cho ra kết quả kể từ khi được khởi động 12 năm trước, một vòng đàm phán mới đã và đang được hình thành. Nhưng lần này, các cuộc thương thảo không được tổ chức theo lối đa phương mà được tiến hành trên cơ sở 2 hiệp định khu vực khổng lồ - một hiệp định là xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định kia là xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Liệu những đàm phán lần này có thành công hơn? 

Vòng đàm phán Doha bị đắm là do Mỹ từ chối loại bỏ trợ cấp nông nghiệp - một điều kiện nhất thiết phải có cho bất cứ vòng đàm phán nào thực sự vì mục tiêu phát triển. Ai cũng biết 70% người dân sống tại những nước đang phát triển trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nông nghiệp. Quan điểm của Mỹ quả thực ngoạn mục: cho rằng việc WTO đánh giá trợ cấp của Mỹ đối với ngành bông – hỗ trợ cho gần 25.000 nông dân giàu có - là bất hợp pháp. Phản ứng của Mỹ là mua chuộc Brazil, nước đã đưa ra khiếu nại này, để Brazil không theo đuổi vấn đề này thêm nữa, bỏ mặc hàng triệu nông dân trồng bông nghèo ở tiểu vùng Sahara châu Phi và Ấn Độ phải chịu đựng mức giá bông èo uột vì sự hào phóng của Mỹ dành cho cho những người nông dân Mỹ giàu có. 

Với lịch sử gần gũi như vậy, giờ đây có vẻ như các cuộc đàm phán để tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu, và một khu vực thương mại tự do khác giữa Mỹ và phần lớn các nước Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc), không phải nhằm thiết lập một hệ thống thương mại tự do thực sự. Thay vào đó, mục tiêu của Mỹ là một chế-độ-thương-mại-chịu-quản-lý. “Quản lý” - đúng như vậy, để phục vụ các lợi ích đặc biệt vốn từ lâu đã thống trị chính sách thương mại ở phương Tây. 

Có vài nguyên tắc cơ bản mà những người tham gia các cuộc thảo luận sẽ ghi tâm (người ta hy vọng như vậy). 

Thứ nhất, bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng cần phải cân xứng. Nếu trong đàm phán TPP, Mỹ đòi hỏi Nhật Bản loại bỏ trợ cấp gạo, thì Mỹ cũng cần chào đề xuất cắt bỏ trợ cấp sản xuất (và tưới tiêu) không chỉ đối với lúa (sản phẩm tương đối không quan trọng ở Mỹ) mà cả đối với các mặt hàng nông sản khác. 

Thứ hai, không có hiệp định thương mại nào được đặt lợi ích thương mại lên trước lợi ích quốc gia, đặc biệt là khi các vấn đề không liên quan thương mại (chẳng hạn như các quy định về tài chính hay tài sản trí tuệ) bị đe dọa. Lấy ví dụ, Hiệp định thương mại của Mỹ với Chile đã cản trở việc sử dụng quyền kiểm soát vốn của Chile – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giờ đây đã thừa nhận rằng, kiểm soát vốn có thể là một công cụ quan trọng của chính sách bảo đảm an toàn vĩ mô (macro-prudential policy). 

Các hiệp định thương mại khác của Mỹ cũng nhất quyết ép các đối tác về tự do hóa tài chính và từ bỏ quản lý, mặc dù cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cho chúng ta thấy rằng, thiếu các biện pháp quản lý tốt có thể đe dọa tới thịnh vượng kinh tế. Ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tới cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Ngành này đã thành công trong việc áp đặt lên các nước khác một chế độ sở hữu trí tuệ không cân bằng, được thiết kế nhằm chống lại việc sản xuất các loại thuốc gốc, đặt lợi nhuận lên trước mục tiêu cứu sống sinh mạng con người. Ngay cả Tòa án Tối cao Mỹ cũng cho rằng Văn phòng Sáng chế Mỹ đã đi quá xa trong việc cấp bằng sáng chế về gien. 

Cuối cùng, là phải có cam kết về minh bạch. Những bên tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại cần thấy trước: phía Mỹ đang cam kết về sự thiếu minh bạch. Văn phòng USTR đang rất hạn chế tiết lộ quan điểm đàm phán thậm chí ngay cả đối với các thành viên của Quốc hội Mỹ. Theo những thông tin bị rò rỉ, người ta có thể hiểu nguyên nhân tại sao. Văn phòng USTR đang thụt lùi về các nguyên tắc - ví dụ như quyền tiếp cận với thuốc gốc - mà Quốc hội đã đưa vào các hiệp định thương mại trước đó, như với Peru. 

Trong trường hợp TPP, còn có một quan ngại lớn hơn. Châu Á đã phát triển một chuỗi cung hiệu quả, với hàng hoá lưu thông dễ dàng từ nước này sang nước khác trong quá trình tạo ra thành phẩm. Nhưng TPP có thể can thiệp vào quá trình này, nếu Trung Quốc vẫn nằm ngoài TPP. 

Với mức thuế chính thức đã quá thấp, các nhà đàm phán sẽ tập trung chủ yếu vào các hàng rào phi thuế - chẳng hạn như các rào cản pháp lý. Nhưng Văn phòng USTR, đại diện cho lợi ích của các tập đoàn, hầu như chắc chắn sẽ thúc đẩy các tiêu chuẩn chung thấp nhất, san lấp về một mặt bằng theo hướng giảm hơn là tăng. Chẳng hạn, nhiều nước có các quy định về thuế và luật không khuyến khích ô tô lớn - không phải vì họ cố gắng phân biệt đối xử đối với hàng hóa của Mỹ, mà do quan ngại về ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. 

Điểm tổng quát hơn như đã đề cập ở trên, là hiệp định thương mại thường hay đặt lợi ích thương mại lên trước các giá trị khác – mà quyền được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh hay bảo vệ môi trường chỉ là hai ví dụ. Chẳng hạn như Pháp muốn có một “ngoại lệ văn hóa” trong các hiệp định thương mại nhằm cho phép nước này tiếp tục hỗ trợ các bộ phim Pháp – điều mang lại lợi ích cho cả thế giới. Giá trị này và các giá trị khác lớn hơn thế nên là những thứ không thể mang ra thương lượng. 

Thực vậy, điều trớ trêu là những lợi ích xã hội nhờ những trợ cấp như vậy là rất lớn trong khi chi phí lại không đáng kể. Có ai thực sự tin rằng một bộ phim nghệ thuật của Pháp lại tiềm ẩn một mối đe dọa nghiêm trọng cho một bộ phim mùa hè bom tấn của Hollywood? Nhưng sự tham lam của Hollywood vẫn được biết là vô độ, và các nhà đàm phán thương mại của Mỹ sẽ không nương tay. Đó là lý do tại sao những hạng mục như thế cần được đưa ra bàn trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán. Nếu không, các nhà đàm phán sẽ bị bó buộc và dẫn tới một nguy cơ có thực, rằng hiệp định ký kết sẽ hy sinh những giá trị cơ bản vì lợi ích thương mại. 

Nếu các nhà đàm phán (Mỹ) từng tạo ra một chế độ thương mại tự do thực sự, đặt lợi ích cộng đồng lên trước, với ý kiến của các công dân bình thường được quan tâm ít nhất là cũng như của những người vận động hành lang cho các tập đoàn, tôi đã có thể lạc quan mà cho rằng những gì sẽ xuất hiện tới đây sẽ giúp củng cố nền kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội. Nhưng thực tế là chúng ta đang có một chế-độ-thương-mại-chịu-quản-lý, chế độ mà lợi ích của các tập đoàn được đặt lên trước tiên, kèm theo đó là một quá trình đàm phán phi dân chủ và không minh bạch. 

Rất có thể là, kết quả của các cuộc đàm phán tới đây sẽ ít có khả năng phục vụ lợi ích của những người Mỹ bình thường, còn triển vọng đối với những thường dân ở các nước khác thậm chí còn ảm đạm hơn./. 

Giáo sư Joseph Stiglitz

Nguồn: http://www.nciec.gov.vn