Tin tức

“Giấy thông hành” cho rau, quả vào EU

07/08/2013    14

Để tăng cường xuất khẩu rau, quả vào thị trường EU, Việt Nam cần thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải có nhiều giải pháp chủ động để đáp ứng nhu cầu nước nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). 

EU- Thị trường nhập khẩu rau, quả lớn

EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2012 đạt trên 29 tỷ USD, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông, lâm sản. Các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU gồm cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, rau, hoa quả, các sản phẩm từ ngũ cốc… Các sản phẩm rau gia vị xuất khẩu sang thị trường EU trung bình khoảng 600 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu rau, quả Việt Nam sang thị trường này đang có dấu hiệu giảm sút. Trong năm 2012, xuất khẩu rau, quả tăng trưởng chậm lại do vướng mắc các quy định về chất lượng của các nước nhập khẩu, đạt xấp xỉ 829 triệu USD, chỉ tăng 33,4% so với năm 2011, do có nhiều lô hàng xuất khẩu vi phạm các quy định của EU.

Để tăng cường xuất khẩu rau, quả vào EU, các chuyên gia kinh tế của EU cho rằng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần có biện pháp để đảm bảo chất lượng VSATTP đối với rau, quả. Theo các thông báo của EU, các vấn đề mà DN Việt Nam gặp phải vẫn chủ yếu là nguy cơ vi sinh vật, đặc biệt là nguy cơ rau gia vị nhiễm vi sinh vật salmonella.

Sau một thời gian gián đoạn, EU đã ra quyết định từ ngày 30/6/2013, rau, quả Việt Nam được cấp chứng nhận kiểm dịch để xuất khẩu trở lại thị trường này. Để có thể phát huy cơ hội gia tăng xuất khẩu rau, quả sang EU, DN Việt Nam cần đảm bảo VSATTP.

Tổ chức lại sản xuất

Đến tháng 5/2013, tổng giá trị xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đạt trên 300 triệu USD, nhiều cơ quan đưa ra dự báo khả quan với mốc 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau, quả trong năm 2013. Việc phát huy cơ hội xuất khẩu sang EU sẽ góp phần đạt được mục tiêu trên, tuy nhiên vấn đề ở đây là DN Việt Nam sẽ vận dụng cơ hội này như thế nào. Tại Hội thảo “VSATTP trong hoạt động xuất khẩu rau, củ, quả Việt Nam sang thị trường châu Âu” do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ DN tổ chức ngày 30/7/2013, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT) - cho biết: Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, DN Việt Nam hiện vẫn rất yếu trong vấn đề tiếp cận các yêu cầu và quy định cụ thể của thị trường nhập khẩu rau, quả. “Thị trường EU đưa ra nhiều tiêu chuẩn, nếu chúng ta không có những lựa chọn phù hợp thì sẽ không tiếp cận được thị trường này”- ông Đạt nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch nhưng việc phát triển diện tích sản xuất rau an toàn quá chậm. Sau 13 năm triển khai, đến nay cả nước chưa đạt được 10% sản lượng đạt tiêu chuẩn rau sạch. Theo bà Nguyễn Thị Tân Lộc- Viện Nghiên cứu rau, quả Trung ương, ngành nông nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất, trong đó, đặc biêt chú trọng trách nhiệm của các bên liên quan, đẩy mạnh hình thức liên kết 5 nhà: nhà nông, DN, nhà khoa học, nhà nước, nhà phân phối/người tiêu dùng. Việc đưa nhà phân phối hay người tiêu dùng vào chuỗi liên kết để có thể nắm được nhu cầu và chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của từng thị trường, từ đó lựa chọn bộ tiêu chuẩn sản xuất cho phù hợp.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn