Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: không thể chủ quan!
29/07/2013 12Lượng đoán rằng, sau khi Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ mở ra cơ may cho nhiều mặt hàng XK của Việt Nam tương tự như sau khi có BAT vào năm 2001 và vào WTO năm 2007.
Từ khi Việt Nam - Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại song phương (BAT) và Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thể dễ dàng nhận thấy xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 3 điểm sáng: Thứ nhất, kim ngạch cao nhất so với XK của Việt Nam vào bất cứ thị trường nào của 5 châu lục. Thứ hai, xuất siêu lớn nhất, lớn hơn xuất siêu của Việt Nam sang EU. Thứ ba, từ quý II/2011, Việt Nam đã vượt Ấn Độ trở thành nước XK dệt may lớn thứ 2 vào Hoa Kỳ và duy trì vững chắc vị thế đó đến nay.
Song cũng nên “liệt kê” sự góp công của các mặt hàng tên tuổi khác. Da giày của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng vững vàng ở vị trí thứ 2 với thị phần đạt khoảng 11% tổng lượng nhập khẩu giày da của nước này. Từ đầu năm đến nay, số lượng đơn hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam đạt được khá lớn,có nhiều DN đã có đơn hàng đến hết năm. Trong Top 10 nền kinh tế XK đồ gỗ vào Hoa Kỳ, có 5 địa chỉ thuộc châu Á thì Việt Nam đứng đầu. Hàng nông thủy sản nước ta cũng tạo ấn tượng không kém ở nước này với các mặt hàng cá ngừ, cá tra, ba sa, tôm…
Lượng đoán rằng, sau khi Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ mở ra cơ may cho nhiều mặt hàng XK của Việt Nam tương tự như sau khi có BAT vào năm 2001 và vào WTO năm 2007. Việt Nam đứng đầu với khoảng 82% tổng XK dệt may từ các nước trong khối TPP XK vào Hoa Kỳ. Vì thế, mặt hàng này được xem là một trong những lợi ích trước mắt, lớn nhất của Việt Nam trong TPP. Thuế suất đối với hàng giày da sẽ giảm đi một nửa. Đồ gỗ hy vọng sẽ giảm cả thuế suất và hàng rào kỹ thuật.
Thị trường Hoa Kỳ khổng lồ, khắt khe, nên chắc chắn không chỉ có chiều thuận. Đó không chỉ là những thách thức đã, đang có và cả những gai góc bộc lộ trong bước đàm phán TPP.
Chính vì vậy, trong phương sách tổng thể, cần có bài bản sát thực với từng mặt hàng để ứng phó với mọi tình huống. May mặc, giày da bắt buộc phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồ gỗ, nông sản thực phẩm, dược phẩm cần đặc biệt chú ý minh bạch về chất lượng và truy suất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh, an toàn theo chuẩn mực của các cơ quan "gác cổng" Hoa Kỳ...
Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, tổ chức quốc tế, khách hàng lớn giải quyết những nảy sinh trong buôn bán, khi xảy ra tranh chấp, va đập với chính sách bảo hộ mậu dịch, bị áp thuế chống bán phá giá. Quan trọng hơn là tích cực hỗ trợ DN trong xúc tiến thương mại qua việc tham gia các hội chợ danh tiếng: Hội chợ đồ gỗ tại Las Vegas, Hội chợ da giày New York, Hội chợ thủy sản quốc tế Boston, Hội chợ các nhà sản xuất thịt lợn tại Des Moines Iowa...
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam