Hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN
29/07/2013 26Các quốc gia ASEAN bắt đầu rộn ràng với những hoạt động chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) - một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á, tiến tới mô hình một cộng đồng kinh tế-an ninh-xã hội theo kiểu Liên hiệp châu Âu (EU).
AEC là gì?
AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và tổng sản lượng (GDP) hàng năm khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ.
Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối chung, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Khi AEC ra đời, thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa tiếp nhận đầu tư và doanh nghiệp một nước thành viên làm ăn ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp sở tại.
Nếu thành công AEC sẽ là thành tựu có tính tiêu biểu (landmark) cho sự hòa nhập khu vực, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên; ngược lại, “nếu AEC không được khởi động suôn sẻ vào cuối năm 2015 thì cộng đồng thế giới sẽ giảm lòng tin vào sức mạnh thật sự và tiềm năng của ASEAN”, Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, nhận định.
Đường tới AEC
Liệu AEC có thể ra đời vào năm 2015 không? Các quan chức và doanh nhân tham gia Diễn đàn Lãnh đạo ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Kuala Lumpur thứ Năm tuần trước (18-7) đều tỏ ra lạc quan khi trả lời câu hỏi này. Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia Datuk Seri Mustapa Mohamed nói: “Các chính phủ trong khu vực đều cam kết bảo đảm thực hiện các sáng kiến cốt lõi trong hội nhập kinh tế. Chúng tôi phải hoàn thành lời hứa của mình”.
Từ lâu, ASEAN đã đẩy mạnh các nỗ lực chuẩn bị cho AEC thông qua việc gỡ bỏ các rào cản chính về thuế quan, tự do hóa lĩnh vực dịch vụ và nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo thường niên 2012-2013 vừa công bố của ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, đến cuối tháng 3-2013, ASEAN đã hoàn thành 80% các giải pháp được nêu trong kế hoạch xây dựng AEC trên tất cả các lĩnh vực. “Giờ đây, hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN đã được triển khai đầy đủ, hiệp định ASEAN về di chuyển con người (ASEAN Agreement on Movement of Natural Persons - MNP) đã được ký kết; việc triển khai thí điểm chương trình Một cửa sổ ASEAN (Asean Single Window), nhằm cải thiện các điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực đang được đẩy mạnh, trong khi trên lĩnh vực giao thông vận tải đã có nhiều tiến bộ trong việc phê chuẩn hiệp định”, báo cáo của ông Minh cho biết. Theo báo cáo này, năm ngoái ASEAN đạt mức tăng trưởng GDP 5,6%, cao hơn mức 4,7% của năm 2011 nhờ nhu cầu tăng mạnh và các biện pháp hội nhập thương mại, kinh tế nội vùng.
Tuy nhiên, Giáo sư Nishimura cho rằng nỗi hoài nghi về sự ra đời của AEC vẫn hiện hữu vì những kết quả thực hiện ghi trong báo cáo không phải lúc nào cũng trùng khớp với những gì mà người dân và doanh nghiệp đối mặt trong thực tế.
Theo Giáo sư Nishimura, sẽ khó đạt được hội nhập 100% vào năm 2015, cho nên sự ra đời của AEC được coi là thành công nếu thực hiện xong cả 10 giải pháp ưu tiên, trong đó có việc gỡ bỏ thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, tự do hóa dịch vụ và đầu tư. ASEAN còn phải gầy dựng niềm tin trong dân chúng rằng hội nhập kinh tế khu vực là con đường tốt nhất để tiến tới.
ASEAN sẽ là động lực kinh tế châu Á?
Lúc đầu, ASEAN dự kiến sẽ “khai trương” Cộng đồng kinh tế ASEAN vào ngày 1-1-2015 nhưng sau đó, do cần thêm thời gian để chuẩn bị, hội nghị cấp cao ASEAN năm ngoái đã quyết định lùi thời điểm khai trương AEC vào cuối năm, ngày 31-12-2015.
Song song với nỗ lực hoàn thành công cuộc hội nhập kinh tế khu vực vào năm 2015, ASEAN cũng đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu nước đối tác có hiệp định thương mại tự do với ASEAN, gồm Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc đàm phán hiệp định RCEP cũng dự kiến hoàn tất vào năm 2015. “Tại thời điểm đó, sẽ nổi lên vai trò cốt lõi của ASEAN như là một trung tâm hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Minh cho biết thêm.
Ngoài AEC và RCEP, một số thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam còn tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản; dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Theo Giáo sư Nishimura, khoảng thời gian hai năm tới là thời kỳ hết sức bận rộn và thú vị của ASEAN trên con đường trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thế giới.
Các nước ASEAN chuẩn bị cho AEC Tại Malaysia, thời điểm ra đời của AEC trùng với nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Malaysia và chính phủ nước này xác định, sự kiện “khai trương” AEC sẽ là điểm cốt lõi của nhiệm kỳ chủ tịch này. Theo Bộ trưởng Mustapa Mohamed, đến nay Malaysia đã hoàn thành được 88% các cam kết xây dựng AEC. Các doanh nghiệp Philippines đang hết sức lo lắng vì AEC sẽ buộc Philippines phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài, gia tăng sự cạnh tranh mà doanh nghiệp nước này phải đối mặt. Để giải tỏa mối lo này, chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino đã thành lập một nhóm công tác kỹ thuật (technical working group - TWG) nghiên cứu nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước này. TWG quy tụ đại diện của chính phủ và tổ chức doanh nghiệp, nổi bật có các bộ ngoại giao, bộ thương mại và công nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân Makati và Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines (PCCI). Kiến nghị ban đầu của nhóm TWG là Manila phải nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt cổ chai” đang kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm lực của mình. Nút thắt nghiêm trọng nhất của Philippines, theo TWG, chính là cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, chi phí kinh doanh cao và thiếu luật lệ chống độc quyền trong các lĩnh vực năng lượng và viễn thông. Năm 2015 AEC ra đời cũng là năm Philippines đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Chính phủ nước này nhận định, đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Philippines phát triển và hội nhập khu vực. Tại Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra cuối tuần qua đã chủ trì hội nghị đặc biệt với các đại sứ Thái Lan ở các nước ASEAN, tỉnh trưởng các tỉnh giáp biên giới với Campuchia, Lào, Myanmar và đại diện các bộ ngoại giao, nội vụ, thương mại và công nghiệp... bàn định chính sách khai thác các lợi thế mà AEC mang lại sau năm 2015 để thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch đồng thời ngăn ngừa các loại tội phạm xuyên biên giới như buôn lậu ma túy, buôn người, nhập cư bất hợp pháp... Mối lo lớn nhất của doanh nghiệp Thái Lan khi AEC ra đời là tình trạng chảy máu chất xám khi lao động lành nghề nước này sẽ đi tìm những công việc có thu nhập cao hơn ở Singapore và Malaysia khi AEC cho phép luân chuyển tự do lao động trong khu vực.
|
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam