Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Thu hẹp khoảng cách trong đàm phán TPP
29/07/2013 18LTS: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Cao Đức Phát đã có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman. Sau các buổi làm việc, hai bộ trưởng đã có cuộc trao đổi với báo giới về một số vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
- Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung chính đã được thảo luận trong cuộc gặp với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman?
>> Bộ trưởng VŨ HUY HOÀNG: Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ lần này theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, đoàn Việt Nam có rất nhiều hoạt động. Trong đó, có nội dung thúc đẩy hoạt động thương mại giữa 2 nước, mà trọng tâm là thúc đẩy đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau 17 vòng đàm phán và hiện vòng thứ 18 đang diễn ra ở Malaysia, có thể nói rằng, quan điểm của các nước tham gia đàm phán đã xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Hiện nay các đoàn đàm phán đang rất nỗ lực để thu hẹp hơn nữa những khoảng cách còn xa nhau giữa các nước về một số nội dung. Nhưng với tinh thần mong muốn kết thúc đàm phán theo đúng thời gian trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và với tinh thần cố gắng gác bỏ những khác biệt, tìm được tiếng nói chung; chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này. Đây cũng là nội dung chính trong cuộc gặp giữa ngài Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và tôi. Hai bên đã thống nhất với nhau những vấn đề liên quan, để tiếp đây 2 đoàn đàm phán TPP của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau, trước khi phiên đàm phán thứ 19 diễn ra ở Brunei.
- Những bất đồng và khoảng cách xa nhau trong đàm phán TPP, cụ thể đó là những vấn đề gì?
Đó là những vấn đề liên quan đến thương mại, dịch vụ và đầu tư. Về thương mại, đó là chuyện mở cửa thị trường. Chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng, mở cửa thị trường phải dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Tôi mở cửa thị trường cho anh, đổi lại anh cũng phải mở cửa thị trường cho tôi. Ngoài danh mục những mặt hàng mà hai bên tạo điều kiện cho nhau nhập khẩu, còn có câu chuyện về thuế. Việt Nam hiện nay đang ở một trình độ thấp hơn so với các nước thành viên TPP khác, cho nên chúng ta yêu cầu các nước thành viên TPP khác, trong đó có Hoa Kỳ cần dành cho Việt Nam một sự linh hoạt nhất định. Tức cần có thời gian quá độ trước khi thực hiện mục tiêu cuối cùng. Đây cũng là nội dung mà Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã cam kết với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Campuchia vào năm 2012 vừa qua. Sau vấn đề thương mại là một số vấn đề có nội dung nhạy cảm. Nhạy cảm ở đây không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước thành viên TPP khác, như vấn đề mua sắm của Chính phủ, vấn đề môi trường, vấn đề về doanh nghiệp nhà nước... Những chuyện này liên quan đến nhiều nước, vì thế không chỉ có Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ trong quan hệ song phương để xử lý, mà còn phải có sự tham gia tích cực đa phương của nhiều thành viên khác. Với tinh thần như vậy, chúng tôi tin rằng trong thời gian ngắn tới đây, những khác biệt đó sẽ được thu hẹp. Phải nhấn mạnh một điều, dù muốn hay không cũng tính đến sự cân bằng và lợi ích của tất cả các bên tham gia đàm phán TPP.
- Có ý kiến cho rằng, muốn kết thúc đàm phán TPP sớm, Việt Nam phải được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Vấn đề này đã được đặt ra như thế nào ở các cuộc đàm phán, thưa bộ trưởng?
Vấn đề yêu cầu công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, chúng ta không chỉ đặt ra với Hoa Kỳ mà còn với nhiều thành viên khác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cho đến nay đã có 34 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Riêng với Hoa Kỳ, chúng ta đã có hình thức đàm phán song phương. Có 2 nhóm chuyên viên của 2 nước đã làm việc với nhau nhiều năm nay và đang tiếp tục đàm phán. Theo quy định nội bộ của Hoa Kỳ, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường không nằm trong nội dung đàm phán TPP, vấn đề này sẽ được thực hiện qua kênh làm việc của 2 nhóm đàm phán song phương của hai bên. Trước sau như một, chúng ta luôn luôn đề nghị phía Hoa Kỳ cũng như các nước thành viên TPP chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, phải xem xét và có sự công nhận này. Trong 13 thành viên TPP, hiện đã có 7 quốc gia công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
- Bộ trưởng có tin tưởng vào mục tiêu Việt Nam cùng với phía Hoa Kỳ sẽ hoàn thành đàm phán TPP vào cuối năm nay?
Với tất cả những thực tế, diễn biến cho đến hôm nay, đặc biệt từ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này, với mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước tham gia TPP, trong đó có Hoa Kỳ, tôi tin rằng, những mong muốn của những nhà lãnh đạo TPP sẽ có nhiều khả năng trở thành hiện thực vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát:
Thúc đẩy thương mại nông sản giữa 2 nước
- Phóng viên: Xin bộ trưởng cho biết những nội dung được 2 bộ trưởng thảo luận?
>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong cuộc gặp giữa 2 bộ trưởng, nhiều vấn đề về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước đã được nêu ra. Trong đó, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác về thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, biến đổi khí hậu. Hai bên cũng đã trao đổi những vấn đề quan tâm, thống nhất phối hợp xử lý những vấn đề tồn tại để thúc đẩy quan hệ thương mại về nông sản giữa 2 nước. Trong đó, phía Hoa Kỳ sẽ sớm xem xét để một số loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như: nhãn, vải, vú sữa, xoài được nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, đồng thời tiếp tục xem xét những mặt hàng khác. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng ghi nhận sẽ trao đổi với những cơ quan liên quan phía Mỹ về những vấn đề mà phía Việt Nam quan tâm, như việc nhập khẩu cá tra, tôm và mật ong từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Hai bên cũng thống nhất sẽ tích cực tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại nông sản giữa 2 nước.
- Khi Việt Nam nêu vấn đề cá tra, cá ba sa, phía Hoa Kỳ đã đáp ứng như thế nào, thưa bộ trưởng?
Vấn đề này tôi đã nêu ra khá cụ thể với ngài Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ. Trước hết là vụ kiện chống bán phá giá, rồi vấn đề lấy Bangladesh làm nước tham khảo và những bất cập trong chương trình giám sát chất lượng cá da trơn hiện nay của Hoa Kỳ. Ngài Bộ trưởng Tom Vilsack đã ghi nhận sự quan tâm của phía Việt Nam và hứa sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết những quan tâm của phía Việt Nam.
- Xin bộ trưởng cho biết về tiến trình xây dựng hiệp định khung cấp Chính phủ về hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước?
Năm 2005, bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước đã được ký kết và đến nay 2 nước vẫn đang tiếp tục thực hiện bản ghi nhớ này. Lần này chúng ta có đặt vấn đề xem xét để cùng nhau ký một hiệp định cấp Chính phủ. Phía Hoa Kỳ cho biết đang xem xét để xây dựng chương trình này.
- Quan điểm của bộ trưởng như thế nào về việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
TPP có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, khi mà hầu hết các loại nông sản Việt Nam đang cần có thêm thị trường để tăng khả năng sản xuất trong nước. Phía Việt Nam rất quyết tâm đàm phán một cách công bằng và hợp lý để tiến tới ký kết hiệp định này vào cuối năm nay.
Nguồn: http://sggp.org.vn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam