Tin tức

Trắc trở đường tới TPP

22/07/2013    13

Vòng đàm phán lần thứ 18 về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra tại TP Kota Kinabalu, ở miền Đông Malaysia. Theo Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia (Miti), trong 2 ngày họp vừa qua, vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc, đòi hỏi các bên cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết.

Thúc đẩy hội nhập sâu rộng

Các chủ đề bị bế tắc được Miti nhắc đến, đó là tiếp cận thị trường hay dỡ bỏ thuế quan; quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và thương mại điện tử. Nếu như những vấn đề gây tranh cãi này không được giải quyết, 11 quốc gia tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Mỹ, Việt Nam… sẽ khó đạt được sự thống nhất rộng rãi về TPP vào tháng 10 tới và ký hiệp định này vào cuối năm nay. Thêm nữa, việc Nhật Bản dự kiến tham gia vào các cuộc đàm phán từ ngày 23-7 sẽ càng gây khó khăn cho các bên tham gia, khi Tokyo có thể lật lại xem xét một số vấn đề mà các quốc gia tham gia đàm phán trước đây đã cơ bản thống nhất.

Trong số 29 vấn đề đàm phán, hiện các bên đã kết thúc thương lượng về 5 vấn đề là tạo thuận lợi thương mại, thống nhất tiêu chuẩn, viễn thông, phát triển và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời thống nhất được 9 vấn đề khác. Nếu được thành lập, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% GDP của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) châu Á - Thái Bình Dương.

Động cơ chính trị?

Bài viết mới đây của tiến sĩ Chandra Muzaffar, Chủ tịch Tổ chức JUST tại Malaysia, đã đưa ra những cảnh báo đáng chú ý về TPP. Trong đó, nhấn mạnh về sự mất chủ quyền của một quốc gia khi tham gia hiệp định này. Tham gia đàm phán có các tập đoàn lớn của Mỹ như Monsanto, Walmart, Bank of America, JP Morgan… Có những nguồn tin cho rằng một số trong những tập đoàn này có khả năng tiếp cận các dự thảo về chính sách và đưa ra “gợi ý sửa đổi” sao cho phù hợp. Điều này làm nảy sinh một vấn đề hết sức nghiêm trọng: các tập đoàn nước ngoài có thể sẽ tạo ra một bộ quy tắc trong TPP, theo đó cho phép họ không cần quan tâm đến luật pháp của các quốc gia thành viên TPP, các quy định về bảo vệ lợi ích cộng đồng.

Khi tham gia TPP, chính phủ và ngân hàng trung ương các quốc gia thành viên sẽ không được sử dụng các biện pháp tài chính như kiểm soát vốn hoặc các sản phẩm tài chính rủi ro. Điều này sẽ “cướp” đi khả năng điều chỉnh các dòng vốn ra - vào của các ngân hàng trung ương. Về lĩnh vực dược phẩm, TPP cho phép các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này được quyền tăng giá thuốc và hạn chế người tiêu dùng được tiếp cận các loại thuốc giá rẻ.

Một điều đáng quan ngại nữa, TPP có thể là công cụ phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Mỹ hào hứng kêu gọi các nước tham gia TPP bởi đó là một phương tiện để Mỹ tăng cường vị thế kinh tế của mình trong khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên. Điều này càng thấy rõ hơn khi Trung Quốc - quốc gia có nền kinh tế năng động nhất trong khu vực - đã không được mời tham gia TPP. Tiến sĩ Muzaffar cho rằng sẽ thật ngây thơ khi xem TPP như một thỏa thuận kinh tế và thương mại đơn thuần. TPP mang động cơ chính trị rõ ràng. Đó là một vũ khí quan trọng của Mỹ để kiềm chế và kiểm soát các nền kinh tế có tiềm năng vươn lên và giúp Mỹ định hình lại Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới. Việc duy trì vị trí tại Thái Bình Dương đảm bảo cho Mỹ “quyền lãnh đạo” đối với một khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế lớn mạnh nhất toàn cầu. Mỹ đã có sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương với 320.000 quân. Còn TPP được thiết kế chính là để đảm bảo sức mạnh kinh tế của Mỹ được duy trì tại khu vực này.

 

Nguồn: http://sggp.org.vn