Quan điểm đàm phán của EU bị tiết lộ ngay trước vòng đàm phán FTA đầu tiên với Hoa Kỳ

15/07/2013    149

Vòng đàm phán chính thức đầu tiên trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Hoa ỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Washington từ ngày mùng 8 tháng 7. Trước đó vài ngày, một tổ chức phi lợi nhuận đã tiết lộ hàng loạt tài liệu của EU liên quan đến những nội dung mà EU muốn đề cập tại các phiên đàm phán trong tuần này.

Các vấn đề bị tiết lộ bao gồm: các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS); cạnh tranh (bao gồm cả vấn đề doanh nghiệp nhà nước); thương mại và phát triển bền vững (bao gồm các quy định về lao động và môi trường); hài hòa pháp lý (cả những quy định liên ngành và quy định trong từng ngành cụ thể); và mua sắm công cũng như rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Những vấn đề này, mặc dù không được nêu tên giống nhau, nhưng cũng phản ánh khoảng một phần tư trên tổng số 24 lĩnh vực đàm phán mà Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa kỳ (USTR) tuyên bố vào ngày 05/07. EU đã có ý định công bố một số thông tin trong những tài liệu bị tiết lộ đó cho các bên liên quan theo một chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso. Nguồn tin cho biết, những thông tin đó đáng ra đã được công bố như là những báo cáo vắn tắt. Việc này nhằm tránh những cáo buộc về tính thiếu minh bạch có thể sẽ cản trở việc thông qua hiệp định này, như những gì đã diễn ra với Hiệp định về Chống hàng giả (ACTA).

Nhằm tăng cường tính minh bạch, EU và Hoa Kỳ sẽ cho các bên liên quan cơ hội để trình bày và trao đổi với các nhà đàm phán vào thứ Tư ngày 10/07, trước cuộc họp báo kết thúc vòng đàm phán đầu tiên  vào ngày 12/07.

Những cuộc thảo luận đang diễn ra trong một bối cảnh tương đối phức tạp. Một mặt, hai bên đã có sự chuẩn bị rất tốt cho cuộc đàm phán. Họ đã làm việc với nhau hơn một năm trong một nhóm được gọi là Nhóm Làm việc Cấp cao (HLWG) nhằm định hình TTIP. Ông Mike Froman, trước là cánh tay hỗ trợ đắc lực và giờ đã chính thức là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, và ông Karel De Gucht, Cao ủy Thương mại EU, đều có động cơ mong muốn kết thúc đàm phán một cách nhanh chóng.

Mặt khác, hai bên vẫn còn có những sự khác biệt lớn về quan điểm và cả những vấn đề mang tính chính trị. Vụ tiết lộ của Edward Snowden, một nhân viên cũ của Chính phủ Hoa Kỳ, rằng Hoa Kỳ đã theo dõi các nhiệm vụ ngoại giao của EU ngay tại Washington, đã dẫn đến việc một số quan chức EU kêu gọi tạm hoãn vòng đàm phán đầu tiên của TTIP. Snowden còn tiết lộ những thông tin liên quan đến các chương trình theo dõi khác của Hoa Kỳ khiến cho EU nghi ngại rằng các dữ liệu về TTIP của họ đã bị đọc trộm.

Tổng thống Đức, bà Angela Merkel và Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande đã tuyên bố tuần trước rằng những vấn đề này sẽ được xem xét kỹ trong các nhóm công tác song phương diễn ra cùng lúc với các cuộc đàm phán thương mại.

Cùng ngày, Nhà Trắng đã tuyên bố rằng một cuộc đối thoại Hoa Kỳ-EU và các quốc gia thành viên về hoạt động thu thập và theo dõi của các cơ quan tình báo và vấn đề bảo vệ thông tin sẽ được bắt đầu sớm nhất có thể trước ngày 08/07. Nhà Trắng cũng cho biết, trong một cuộc điện thoại, Tổng thống Obama đã đồng ý với bà Merkel về việc duy trì một cuộc họp cấp cao giữa những quan chức an ninh của Hoa Kỳ và Đức trong những ngày tới nhằm thảo luận những cáo buộc tình báo một cách chi tiết hơn. Một thách thức khác đối với chính quyền Hoa Kỳ là làm thế nào thúc đẩy TTIP – vốn đã bao gồm nhiều vấn đề khó về hài hòa pháp lý với phạm vi rộng nhất từ trước đến nay – trong khi vẫn đang phải đẩy mạnh các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong TPP, Hoa Kỳ hiện đang tập trung vào việc tham gia của Nhật Bản và mong muốn sẽ đạt được thỏa thuận sớm trong năm nay.

USTR đang phải nỗ lực rất nhiều khi phải đối mặt với những với những hạn chế về nguồn nhân lực cũng như tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc các viên chức đàm phán TTIP được bổ nhiệm cũng chính là người đang đàm phán TPP trong lĩnh vực tương ứng. Hạn chế về tài chính được thể hiện rõ ràng khi các cuộc đối thoại TTIP tuần này được diễn ra các trụ sở cơ quan chính phủ - chứ không phải là ở một khu nghỉ dưỡng gần Washington như dự kiến.

Trong bối cảnh đó, các tài liệu bị rò rỉ đã cho thấy một số vấn đề ưu tiên trong TTIP mà các quan chức EU muốn thảo luận trong vòng đàm phán đầu tiên này:

Các vấn đề Vệ sinh dịch tễ (SPS): Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực này là việc sử dụng nguyên tắc “cảnh báo sớm” trong quá trình ra quyết định của EU. Theo nguyên tắc này, EU có quyền đặt ra các biện pháp quản lý rủi ro ngay khi họ thấy có căn cứ khoa học cho rằng mức độ an toàn của sản phẩm hoặc quá trình sản xuất là không rõ ràng, mà không phải đợi đến khi chứng minh được tác hại xấu.

Nhóm nông nghiệp của Hoa Kỳ đã phản đối cách tiếp cận này vì cho rằng nó tạo ra các rào cản thương mại không cần thiết và mong muốn TTIP loại bỏ nguyên tắc này. Nhưng mục tiêu này không nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của Chính phủ Hoa Kỳ, và đã bị bác bỏ bởi trưởng đoàn đám phán của EU, ông Ignacio Garcia Bercero, trong một buổi họp lấy ý kiến công chúng vào tháng trước.

Tài liệu của EU liên quan đến SPS đã được soạn thảo rất cẩn thận về ngôn từ và không trực tiếp đề cập đến nguyên tắc cảnh báo sớm. Theo một cựu quan chức thương mại Hoa Kỳ, chuyên gia trong lĩnh vực SPS, thì có lẽ đây là nỗ lực của EU để không “gây kích động” cho Hoa Kỳ ngay từ vòng đàm phán đầu tiên. Nhưng cách mô tả trong tài liệu này về chương SPS trong TTIP cho thấy rõ rằng EU có thể sẽ tiếp tục áp dụng nguyên tắc cảnh báo sớm.

Vị cựu quan chức đó đưa ra hai điều khoản để làm ví dụ. Thứ nhất, tài liệu cho thấy mục SPS sẽ ghi nhận “quyền của mỗi bên trong việc đánh giá và quản lý rủi ro theo mức độ mà bên đó cho là phù hợp” với mục tiêu “tối thiểu hóa các hậu quả xấu của thương mại”. Điều khoản thứ hai mà ông ta chỉ ra là mục SPS sẽ “tôn trọng những biện pháp hợp pháp nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người và sinh vật.”

Tài liệu của EU cũng chỉ rõ là EU đang muốn đề nghị những quy định mới trong lĩnh vực SPS vượt xa cả những quy định sẵn có của WTO. Điều này đã được khẳng định trong báo cáo cuối cùng của HLWG. Tài liệu cũng cho thấy EU không mong muốn một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc trong lĩnh vực này, thay vào đó, EU đề xuất thành lập một ủy ban “với đầy đủ các công cụ nhằm giám sát và đảm bảo việc thực thi chương này”. Các đề xuất này có lẽ sẽ dễ được Hoa Kỳ chấp nhận vì Hoa Kỳ cũng đã từ chối yêu cầu của nhóm nông nghiệp về một cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc trong TPP.

Chống độc quyền và Sáp nhập, Sự can thiệp và Trợ cấp của Chính phủ: Trong tài liệu này, EU muốn tạo ra những điều khoản nhằm giải quyết vấn đề cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng những điều khoản này nên bao gồm cả những công ty không thuộc sở hữu nhà nước nhưng lại được nhà nước trao cho các “đặc quyền“. EU viết trong tài liệu: để xem xét một doanh nghiệp có thuộc sở hữu nhà nước hay không thì “các bên nên xem xét một định nghĩa dựa vào tính sở hữu và/hoặc thay vào đó là quyền kiểm soát của nó”. Một quan chức EU trước đó cũng đã nói rằng bộ quy tắc của EU về hỗ trợ của Chính phủ, trong đó đặt ra các giới hạn đối với các khoản trợ cấp của chính phủ cho các công ty của mình, là một công cụ hiệu quả chống lại các hành vi bóp méo cạnh tranh, bất kể công ty đó thuộc sở hữu nhà nước hay không.

Theo quan điểm trong tài liệu này thì cần phải chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử giữa các công ty, dù thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân, đang cạnh tranh trên thị trường, và các công ty đang được hưởng các “đặc quyền”. Các quy định này cũng cần phải bao gồm “tất cả các cấp chính quyền”, tức là tác động đến cả các doanh nghiệp ở cấp địa phương.

Một điểm đáng chú ý là lập luận của EU về việc TTIP nên mở rộng ra cả các hàng hóa được trợ cấp chéo trong một khu vực thị trường không độc quyền (đây là tình trạng một hàng hóa được bán cao hơn cho một nhóm khách hàng này để trợ giá và bán thấp hơn cho một nhóm khách hàng khác), quy định này “tương tự” như những gì được đề cập trong Điều VIII của GATS. EU cho rằng TTIP nên vượt trên cả những quy định của WTO về trợ cấp, bao gồm cả việc yêu cầu tăng cường minh bạch, cơ chế tham vấn và các điều khoản xác định “những dạng biến thể khác của trợ cấp”.

Thương mại và phát triển bền vững: Tài liệu của EU bao gồm cả vấn đề lao động và môi trường, được xem là rất quan trọng trong TTIP giống như trong các hiệp định thương mại khác của EU. Mục tiêu được đưa ra bao gồm những vấn đề như biến đổi khí hậu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vấn đề bảo tồn thiên nhiên.

Theo tài liệu, EU cho rằng thương mại và đầu tư đối với hàng hóa, dịch vụ môi trường và những sản phẩm, công nghệ “thân thiện với khí hậu” là “những vấn đề quan trọng cần thảo luận. EU cho rằng một trong những biện pháp để thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực này là cắt giảm thuế quan và dở bỏ các hàng rào phi thuế mà những hàng hóa này gặp phải.

Về lao động, theo tài liệu được tiết lộ thì EU cho rằng các tiêu chuẩn lao động cơ bản trong các công ước cơ bản của ILO “là một thành tố thiết yếu cần đưa vào một hiệp định thương mại”. Chúng có thể được bổ sung bởi các tiêu chuẩn và công ước khác của ILO nếu cần thiết. Bên cạnh đó, EU đề xuất nên bắt đầu từ Tuyên bố về Quyền và Những nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc của ILO năm 1998, cũng như là Tuyên bố về Công bằng xã hội đối với công bằng tòa cầu hóa năm 2008 của ILO mà đã được áp dụng đối với tất cả các thành viên của ILO.

Tùy thuộc vào quan điểm của EU như thế nào về các công ước của ILO, có thể gây mâu thuẫn với Hoa Kỳ vì trong khi các quốc gia thành viên EU đã phê chuẩn cả tám công ước của ILO, Hoa Kỳ mới chỉ phê chuẩn hai trong số đó.

Các tổ chức công đoàn quốc tế và của Hoa Kỳ, như AFL-CIO (tổ chức công đoàn lớn nhất Hoa Kỳ), đã tuyên bố họ nhận thấy TTIP là cơ hội để tăng cường pháp luật lao động nội địa Hoa Kỳ. Từ trước đến  nay, AFL-CIO đã ủng hộ việc sử dụng các công ước cơ bản của ILO như là các tiêu chuẩn phù hợp về quyền của người lao động trong các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, việc này đã đã bị phản đổi bởi các nhóm doanh nghiệp và đồng minh của họ trong Quốc hội, các nhóm này phản đối việc sử dụng các hiệp định thương mại để thay đổi pháp luật lao động Hoa Kỳ. Tuy nhiên những phát ngôn viên của liên đoàn cũng đã cho thấy họ muốn các quy định lao động sẽ được thực thi một cách đầy đủ. Điều này không được đề cập trong tài liệu của EU. Tài liệu không đề cập đến bất kỳ một cơ chế giải quyết tranh chấp rằng buộc nào. Tài liêu chỉ nói về việc cần phải thành lập những “kênh” mà qua đó các bên có thể giải quyết bất đồng một cách hiệu quả, như là cơ chế tham vấn giữa các chính phủ và cơ chế đánh giá khách quan của bên thứ ba.

Hòa hợp pháp luật liên ngành và trong từng lĩnh vực cụ thể: Quan điểm của EU về vấn đề này trong Tài liệu cũng giống như quan điểm của EU đưa ra trong giai đoạn sáng kiến TTIP trước đó, rằng việc loại bỏ, cắt giảm và hạn chế những rào cản pháp lý “không cần thiết” có thể là lợi ích lớn nhất trong hiệp định này. Tài liệu tập trung vào các quy tắc liên ngành – các quy định áp dụng cho tất cả các ngành - và các quy định cụ thể về hài hòa pháp lý trong ngành ô tô, hóa chất và dược phẩm. Đây là ba lĩnh vực được HLWG nhấn mạnh như là những ví dụ về những lĩnh vực có kim ngạch thương mại lớn nhất giữa EU và Hoa Kỳ.

Về các quy tắc liên ngành, tài liệu đưa ra hai mục tiêu. Thứ nhất, TTIP sẽ đặt ra các nguyên tắc và thủ tục nhằm phát triển và thực thi “các quy định hiệu quả, ít tốn kém và phù hợp hơn”. Thứ hai, EU muốn thiết lập một khuôn khổ nhằm định hướng cho việc hài hòa hóa pháp lý trong tương lai, bao gồm cả một lộ trình nhằm bảo đảm các kết quả thực tiễn.

Mua sắm công: Tài liệu của EU về mua sắm công được ghi chú là “không chính thức”, tức không phải một tài liệu chính thức về quan điểm của EU, và chỉ ra rất cụ thể các mục tiêu của EU trong  so sánh với các tài liệu đã bị tiết lộ khác. Nhưng điều này có lẽ không gây ngạc nhiên bởi EU vốn có quan điểm rất cứng rắn trong lĩnh vực này và đang cố gắng thông qua TTIP để gia tăng tiếp cận thị trường này của Hoa Kỳ, điều mà họ đã thất bại trong Hiệp định Mua sắm công đa phương (GPA) của WTO. Ví dụ, tài liệu cho thấy EU muốn mở cửa thị trường mua sắm tại các bang của Hoa Kỳ như Alabama, Alaska, Bắc Carolina và Virginia, các bang này đều không tham gia ký kết GPA. EU cũng muốn “mở rộng đáng kể” phạm vi bao phủ của GPA đối với các bang đã ký kết GPA, và bao gồm nhiều hơn các thành phố lớn và các khu đô thị tập trung như New York, Los Angeles, Austin, San Francisc và Seattle.

Điều này có thể sẽ khó khăn cho Hoa Kỳ vì chính quyền liên bang không có quyền trong chính sách mua sắm của các chính quyền địa phương. Những nỗ lực của USTR trong quá khứ nhằm thu hút các bang chưa phải là thành viên của GPA đã không thành công.

Thương mại và Đầu tư về Nguyên liệu thô và Năng lượng: Tài liệu của EU ghi rằng các quy tắc của WTO “chủ yếu duy trì ở mức giới hạn sản xuất và thương mại quốc tế về nguyên liệu thô và năng lượng” và chứa đựng một số quy định chưa thực sự đủ mạnh về các rào cản xuất khẩu. Trong đó phải kể đến là thiếu định nghĩa thế nào là dịch vụ năng lượng trong GATS, thiếu các quy định hiệu quả về trung chuyển quốc tế sản phẩm năng lượng qua đường ống, cho phép sử dụng rộng rãi các yêu cầu về hàm lượng nội địa, và thiếu minh bạch trong các quy trình pháp luật.

Tài liệu của EU cho rằng hai bên cần nỗ lực để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng này trong TTIP và cùng hướng tới một mục tiêu “dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu”. Tài liệu cũng đề xuất hai bên nên đạt được sự đồng thuận trong các quy định cụ thể về doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp được hưởng đặc quyền của nhà nước, và các quy định này phải cao hơn những quy định thông thường đối với hai loại hình doanh nghiệp này.

 Nguồn: Inside US Trade

Dịch và Biên tập: Trung tâm WTO -  VCCI