Vì sao FTA EU - Ấn Độ chưa được ký kết?

28/06/2013    174

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Ấn Độ và Liên minh Châu Âu (EU) đã được xem xét trong một thời gian dài, tuy nhiên khó có thể trông thấy một tiển triến đáng kể nào. Cuộc họp liên chính phủ giữa hai nước kéo dài một tuần từ 13 đến 15 tháng Năm tại Delhi vừa rồi đã không tìm được tiếng nói chung đối với những quan điểm khác nhau và thất bại trong việc đảm bảo tiến trình đưa ra một thỏa thuận.

Ấn Độ có thể đạt được rất nhiều lợi ích từ các ưu tiên và việc tiếp cận thị trường Châu Âu với mức thuế suất bằng 0 thông qua ký kết FTA với EU. Đánh giá tác động bền vững (SIA) do EU thực hiện chỉ ra rằng một FTA mở rộng (với nhiều hơn những rào cản phi thuế quan trong hài hòa hóa thương mại) sẽ đem đến những lợi ích to lớn cho cả hai bên ký kết về mặt nâng cao phúc lợi, thúc đẩy sản xuất, thương mại thế giới, tăng mức thu nhập cũng như sản lượng. Ảnh hưởng về mặt phúc lợi tăng 0.3% đối với nền kinh tế Ấn Độ trong ngắn hạn và tăng 1.6% trong giài hạn.

Ấn Độ và EU có quan hệ thương mại đáng kể  và phát triển nhanh chóng. Năm 2002, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU; đến năm 2012, Ấn Độ đã vươn lên vị trí thứ 8. Nếu tính tổng thương mại giữa Ấn Độ và tất cả các quốc gia thành viên của EU thì EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Với sự phát triển thương mại và lợi ích mà hai bên đem lại cho nhau, thật lạ khi Ấn Độ và EU vẫn chưa đạt thêm được những tiến triển trong việc kí kết một FTA. Vậy bất đồng nào giữa hai phía đã ngăn cản việc một FTA được ký kết?

Thứ nhất, chính sách thương mại của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi vấn đề nhân khẩu. Hơn một nửa dân số Ấn Độ dưới độ tuổi 25, dẫn đến một chiến lược phát triển tập trung vào tạo công ăn việc làm chứ không chỉ xúc tiến xuất khẩu. Những vấn đề về nhân khẩu này cùng với hệ thống giáo dục của nước này đã tạo ra một lực lượng lao động lành nghề, cạnh tranh và có khả năng sử dụng tiếng Anh cho Ấn Độ, một điều mà trong thời gian tới Châu Âu sẽ thiếu. Để đạt được những lợi ích cho lực lượng lao động này thông qua thương mại đòi hỏi nhiều hơn là việc giảm thuế. Đây chính là lí do mà chỉ với miễn giảm thuế, FTA này chưa đủ hấp dẫn đối với Ấn Độ. Tóm lại, cần phải có những đàm phán về các điều khoản loại bỏ hàng rào phi thuế quan bao gồm các tiêu chuẩn và các yêu cầu về công nhận lẫn nhau hay cấp phép.

Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới mở cửa thị trường dịch vụ theo phương thức 1 và 4 của GATS. Do lực lượng lao động lãnh nghề trong lĩnh vực dịch vụ của Ấn Độ phát triển rất nhanh, Ấn Độ chú trọng vào tiếp cận thị trượng tốt hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ với phương thức 4 - tự do hóa thông qua tiếp cận thị trường hàng hóa trong các đàm phán thương mại.

Thứ hai là lĩnh vực Nông nghiệp, một lĩnh vực quan trọng của Ấn Độ nhằm đảm bảo công bằng và tăng triển từ  FTA. Ngành Nông nghiệp của EU được bảo hộ rất cao và do vậy Ấn Độ có quan điểm phòng thủ rất mạnh trong việc đàm phán FTA với EU. Vào thời điểm này, nhập khẩu nông nghiệp của EU từ Ấn Độ cao hơn gấp 5 lần số lượng xuất khẩu nông nghiệp của EU sang Ấn Độ, mặc dù thuế suất nhập khẩu của EU đối với những mặt hàng nông sản khá cao. Ấn Độ mong đợi EU cắt giảm thuế và giảm trợ cấp cho sản phẩm nông sản của EU vì lo sợ sản  phẩm nhập khẩu từ EU sẽ thay thế các sản phẩm nông nghiệp của Ấn Độ một khi FTA đã được ký kết. Vấn đề này có thể là một cản trở lớn trong các đàm phán tới đây.

Lí do thứ ba khiến Ấn Độ do dự là ván đề mua sắm chính phủ. Đây là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của EU và là nguyên do bất đồng giữa hai bên. EU phàn nàn rằng “Thực trạng mua sắm chính phủ ở Ấn Độ thường không minh bạch, phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài và thường ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước.” Nhưng với chi tiêu chính phủ chiếm tới 13% GDP cả nước, Ấn Độ quả quyết sẽ không đưa vấn đề mua sắm chính phủ vào nội dung đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU. Ấn Độ cũng đang thảo luận với EU về quy chế “an toàn dữ liệu” cho quốc gia. Hiện tại, EU không coi Ấn Độ là một nước có “an toàn dữ liệu”. Điều này cản trở việc truyền các dữ liệu nhạy cảm theo luật bảo vệ dữ liệu của EU, ví dụ như thông tin về bản quyền. Luật EU quy định nếu các quốc gia thành viên thuê sản xuất ngoài tại một quốc gia khác không được chứng nhận là an toàn dữ liệu thì sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng nghiêm ngặt, điều này sẽ làm tăng chi phí vận hành và ảnh hưởng đến tính cạnh tranh.

Ngoài ra, còn một loạt các vấn đề lẻ tẻ khác có thể khiến các cuộc đàm phán bị trì hoãn nếu không được giải quyết ổn thỏa. Những vấn đề này bao gồm mở cửa ngành bảo hiểm của Ấn Độ và tăng giới hạn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên 49%. Bên cạnh đó EU còn yêu cầu Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô chở khách.

Việc tìm ra một giải pháp cho những mâu thuẫn này là điều mà cả EU và Ấn Độ đều mong muốn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là đòi hỏi về tiến độ nhanh chóng. Để đàm phán bất kỳ hiệp định thương mại song phương nào với EU, chính phủ Ấn Độ cần đi những bước thận trọng nhằm bảo vệ lợi ích công và những quan tâm trong nước. Đây sẽ là FTA lớn đầu tiên mà Ấn Độ ký kết với một khối kinh tế lớn gồm 27 nước này. Tùy thuộc vào kết quả đàm phán như thế nào, hiệp định này có thể giúp thúc đẩy hoặc làm suy giảm tăng trưởng của Ấn Độ trong suốt thập kỷ tới.

Nguồn: East Asia Forum