Tin tức

Ủy ban châu Âu tổ chức đợt tham vấn công khai lấy ý kiến các bản dự thảo Hướng dẫn thủ tục điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

19/06/2013    39

Tháng 4 năm 2013, Ủy ban Châu Âu (EC) – cơ quan chịu trách nhiệm điều tra phòng vệ thương mại của EU đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật chống bán phá giá, chống trợ cấp của EU và đang trình lên Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Luật dự kiến sẽ thông qua vào năm 2014.

Tháng 4 năm 2013, Ủy ban Châu Âu (EC) – cơ quan chịu trách nhiệm điều tra phòng vệ thương mại của EU đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật chống bán phá giá, chống trợ cấp của EU và đang trình lên Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Luật dự kiến sẽ thông qua vào năm 2014.

Việc sửa đổi này nhằm nâng cao tính minh bạch và dự đoán trước cho các doanh nghiệp trong Liên minh và doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước bị điều tra trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, EC cũng đang tăng cường tính thực thi biện pháp này thông qua việc tăng cường tính tự khởi xướng điều tra của EC mà không cần nhận đơn của doanh nghiệp sản xuất EU. Bên cạnh đó, EC đề xuất bãi bỏ việc đánh thuế thấp hơn, tức là theo quy định hiện tại thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp khi áp dụng sẽ không được cao hơn biên độ gây thiệt hại trong trường hợp biên độ này thấp hơn biên độ phá giá. Tuy nhiên hiện nay, trong điều tra hàng hóa nhận trợ cấp hoặc trường hợp đặc biệt trong bán phá giá thì thuế sẽ cho phép bằng biện độ phá giá cho dù biên độ thiệt hại thấp hơn.

Hiện nay, bên cạnh dự thảo Luật mới đang chuẩn bị thông qua, EC đang lấy ý kiến đóng góp về 04 vấn đề trong điều tra, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU bị điều tra. Các vấn đề đang lấy ý kiến gồm có:

1. Xác định lợi ích của liên minh Châu Âu khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Theo quy định của EU, EC chỉ có quyền áp dụng thuế nếu như hàng hóa xuất khẩu từ các nước bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hàng hóa đó và việc áp thuế sẽ không gây tổn hại đến lợi ích của liên minh. Do đó, ngoài lợi ích của các nhà sản xuất EU thì cần phải xem xét đến lợi ích của các nhà nhập khẩu EU, người tiêu dung, hiệp hội liên quan, nhà cung cấp đầu vào sản xuất sản phẩm bị ảnh hưởng như thế nào. Do vậy, EC đã nêu nhiêu vấn đề sử dụng trong phân tích trước khi đưa ra quy định cuối cùng.

2. Xác định lựa chọn nước thay thế trong điều tra đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường

Hiện nay, do Việt Nam vẫn bị xem là nước có nền kinh tế phi thị trường do đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU bị điều tra chống bán phá giá sẽ phải chịu cách tính bất lợi bởi chi phí của các doanh nghiệp sẽ không được sử dụng mà EC sẽ dung số liệu thông tin từ một nước khác (nước thay thế). Việc lựa chọn nước thay thế do đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải chịu. Chính vì thế cách chọn nước thay thế như thế nào cũng rất quan trọng.

3. Phương pháp tính toán biên độ lợi nhuận thích hợp để tính biên độ thiệt hại

Nội dung của dự thảo bản hướng dẫn tập trung chỉ rõ phương pháp tính biên độ lợi nhuận (profit margin) khi tính thiệt hại. Biên độ lợi nhuận là một yếu tố để tính toán giá bán không gây thiệt hại của ngành sản xuất ở EU được sử dụng để so sánh với giá xuất khẩu của doanh nghiệp bị đơn.

4. Rà soát cuối kỳ và thời hạn áp dụng các biện pháp

Liên quan đến vấn đề rà soát cuối kỳ đối với biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, bản dự thảo đã đưa ra các vấn đề cần làm rõ trước khi đưa ra quyết định có hay không tiếp tục áp dụng các biện pháp này.Nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Châu Âu, Cục QLCT xin thông báo một số nội dung thay đổi như trên để quý đơn vị được biết và sớm có ý kiến đóng góp về dự thảo sửa đổi gửi kèm của Ủy ban Châu Âu (tiếng Anh + bản dịch). Mọi ý kiến đóng góp gửi về Cục QLCT trước ngày 24 tháng 6 năm 2013 để Cục tổng hợp xây dựng bản bình luận của chính phủ Việt Nam gửi Ủy ban Châu Âu đúng thời hạn.

Ý kiến đóng góp gửi về: Cục Quản lý cạnh tranh – 25 Ngô Quyền – Hà Nội; Fax: 0422205003; Tel: 0422205002, máy lẻ 1027  (chị Việt Hà), email: hanv@moit.gov.vn; chiptq@moit.gov.vn.

 

Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh