Tin tức

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi từ FTA ASEAN + 6

19/06/2013    13

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng nhiều lợi ích nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand được thiết lập, theo các chuyên gia Nhật Bản.

Tại buổi hội thảo về tối ưu hóa việc sử dụng các hiệp định tự do thương mại (FTA) do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hôm 17-6 tại TPHCM, ông Kazunobu Hayakawa – Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu JETRO Bangkok cho biết, quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA trong khuôn khổ ASEAN hiện khá phức tạp và khó khăn. Việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàm lượng giá trị khu vực không nhỏ hơn 40% khiến doanh nghiệp vất vả và tốn nhiều chi phí.

Trong khi đó, RCEP là một FTA đơn nhất với các quy tắc xuất xứ được chuẩn hóa chung, nên giúp doanh nghiệp giảm chi phí cho việc tuân thủ quy tắc kể trên.

Ngoài ra, với phương thức ưu đãi chung của RCEP, doanh nghiệp không cần kiểm tra bảng ưu đãi dành cho từng nước (chẳng hạn như ưu đãi trong FTA ASEAN với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với Ấn Độ,... - PV), giúp thúc đẩy việc tận dụng ưu đãi thuế quan. Theo đó, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ cũng tận dụng các ưu đãi thuế quan một cách có hiệu quả, ông Kazunobu Hayakawa nói.

Theo ông Kohei Shiino, Phó giám đốc JETRO Singapore, RCEP đem lại lợi ích to lớn cho ngành dệt may của Việt Nam.

Hiện nay, để tận dụng ưu đãi thuế quan trong FTA ASEAN – Nhật Bản, hàng may mặc của Việt Nam khi xuất vào Nhật Bản phải được làm từ nguyên phụ liệu vải có xuất xứ tại ASEAN và Nhật Bản.

Trong khi đó, hiện có hơn 33% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, nếu tham gia RCEP, hàng may mặc được sản xuất từ nguyên phụ liệu của Trung Quốc sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2013 lên đến 4,32 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012. Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với kim ngạch 1,55 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vòng đàm phán đầu tiên về việc thiết lập RCEP bắt đầu vào ngày 9-5 và kết thúc vào hôm 13-5 tại Brunei. Vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra tại Úc từ ngày 23 đến 27-9. Các đàm phán RCEP dự kiến kết thúc vào cuối năm 2015.

Lĩnh vực đàm phán chủ yếu trong RCEP là thương mại hàng hoá (giảm và xoá bỏ thuế quan, quy tắc xuất xứ,...), thương mại dịch vụ (giảm và bỏ quy định về đầu tư nước ngoài trong thương mại dịch vụ qua biên giới, bán lẻ,...), lĩnh vực đầu tư.

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn