Doanh nghiệp ủng hộ việc Việt Nam tham gia Hiệp định ITA mở rộng
11/06/2013 542Hiệp định Công nghệ Thông tin của WTO ra đời tháng 12/1996 (gọi tắt là ITA 1996) nhằm từng bước gỡ bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) cho các nước thành viên. Cho đến nay ITA 1996 đã có sự tham gia của 70 nước, chiếm 97% thương mại toàn cầu các sản phẩm CNTT.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin thì đến nay các danh mục hàng hóa trong ITA 1996 đã lỗi thời và 21 thành viên WTO (trong đó các nước trong khối EU được tính là một thành viên) đang đàm phán Hiệp định ITA mở rộng để bổ sung một số sản phẩm mới được xem là CNTT nhưng chưa được đưa vào ITA 1996. Dự kiến đàm phán này sẽ kết thúc trong năm 2013.
Khi tham gia WTO năm 2007, Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định ITA 1996 và cam kết dần dần dỡ bỏ và tiến đến miễn thuế đối với khoảng 300 sản phẩm CNTT đến năm 2014. Đối với ITA mở rộng thì hiện tại Việt Nam vẫn đang cân nhắc và chưa tham gia.
Để lấy ý kiến doanh nghiệp về vấn đề này, ngày 3/6/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Tọa đàm “Tham vấn doanh nghiệp về việc tham gia Hiệp định CNTT mở rộng của Việt Nam”. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT của Việt Nam, một số doanh nghiệp FDI và các bộ ngành liên quan.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tham gia ITA đem lại nhiều tác động tích cực cho Việt Nam như giảm giá thành các sản phẩm CNTT và tăng cường thu hút FDI. Tuy nhiên, việc giảm thuế theo ITA cũng khiến cho Nhà nước mất một khoản thu thuế lớn, các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bởi áp lực cạnh tranh khiến nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước phải phá sản hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động. Vì vậy, nếu tham gia Hiệp định ITA mở rộng thì nguồn thu thuế của Nhà nước sẽ giảm mạnh hơn nữa (dự tính có thể cán cân thương mại sản phẩm CNTT sẽ thâm hụt khoảng 11 tỉ USD), các doanh nghiệp trong nước sẽ càng khó cạnh tranh hơn...
Tuy nhiên, các Hiệp hội, doanh nghiệp tham gia tọa đàm đều ủng hộ việc Việt Nam tham gia Hiệp định ITA mở rộng. Theo đại diện của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) thì các doanh nghiệp Việt Nam không ngại cạnh tranh vì công nghệ phần mềm của Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nhân lực (cả về năng lực và độ tuổi) và bản thân Việt Nam cũng đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP trong đó các đối tác cũng đòi hỏi mở cửa mạnh đối với các sản phẩm CNTT. Vì vậy, điều quan trọng là Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các nước trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ được phép theo WTO để bảo vệ ngành sản xuất trong nước thay vì bảo hộ bằng thuế quan.
Còn theo đại diện của Hiệp hội Điện tử Việt Nam (VEIA) thì công nghệ điện tử hiện đại có tính toàn cầu hóa và chuyên môn hóa rất sâu, thế giới đã hình thành chuỗi giá trị toàn cầu và Việt Nam cần tham gia vào chuỗi giá trị đó để học hỏi công nghệ và phát triển. Hơn nữa, theo tính toán của VEIA thì có tới hơn 80% sản phẩm trong Danh mục ITA mở rộng Việt Nam không có khả năng sản xuất trong 5 đến 10 năm tới. Do đó không có lý do gì để Việt Nam không tham gia vào ITA mở rộng.
Các đại diện của VIETTEL, VNPT, Hanel cũng đều ủng hộ ITA mở rộng vì cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải tự đồi mới để tồn tại chứ không phải trông chờ vào việc bảo hộ thuế quan. Mặt khác, thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc hiện tại đã là 0% rồi thì việc giữ thuế nguyên vật liệu cao chỉ có lợi cho các doanh nghiệp FDI nhập sản phẩm nguyên chiếc vào Việt Nam và bán trong nước mà không phải chịu thuế, còn các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ bị bất lợi bởi nguyên liệu sản xuất chịu thuế nhập khẩu cao.
Về phía các doanh nghiệp FDI, các đại diện của Panasonic hay Intel đều cho rằng việc tham gia ITA mở rộng sẽ giúp cho Việt Nam tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực CNTT, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, ITA mở rộng sẽ không chỉ có lợi cho mình các doanh nghiệp FDI mà cả nền sản xuất trong nước khi được tiếp cận với nguồn nguyên liệu công nghệ cao giá rẻ.
Như vậy có thể thấy trong khi các Bộ ngành có vẻ còn khá rụt rè trước việc quyết định Việt Nam có tham gia ITA mở rộng hay không thì các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng “chấp nhận” cuộc chơi toàn cầu. Dự kiến trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ về việc Việt Nam tham gia ITA mở rộng.
Nguồn: Trung tâm WTO
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam