Tin tức

Cơ sở nào buộc doanh nghiệp ngừng xuất khẩu khi nước ngoài cảnh báo về an toàn thực phẩm?

06/06/2013    11

DN XK có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 tháng bị Cơ quan thẩm quyền nước NK cảnh báo về an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ bị tạm ngừng XK vào các thị trường tương ứng trong danh sách XK. Quy định mang tính “trừng phạt” này tại Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT (TT55) của Bộ NN và PTNT đã bị các DN XK thủy sản phản ứng gay gắt từ khi văn bản này bắt đầu có hiệu lực.

Trước các ý kiến phản ánh của các DN hội viên, VASEP đã gửi Công văn số 192/2011/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ NN và PTNT kiến nghị xem xét một số nội dung của TT55, trong đó đề nghị thay đổi quy định khắt khe này. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên quan điểm tại dự thảo Thông tư thay thế TT55.

Quy định này trái với các quy định hiện hành của Luật ATTP và Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về ATTP.

Điều 6 Luật ATTP quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.

Còn theo Điều 53 Luật ATTP: “Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố về ATTP xảy ra trong nước hoặc nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới Việt Nam phải khai báo với cơ sở y tế, Ủy ban Nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương để có biện pháp khắc phục kịp thời”.

Việc đình chỉ sản xuất kinh doanh, thu hồi và xử lý khi thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh đang lưu thông trên thị trường: Trường hợp nếu thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ bị thu hồi tự nguyện hoặc thu hồi bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Tuy nhiên trên thực tế, khi các nước ngày càng tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật, thậm chí phi khoa học, thì việc lô hàng thủy sản XK của các nước XK bị kiểm tra và cảnh báo ở nước NK, nhưng không vi phạm quy định ATTP theo Luật của nước XK, trong trường hợp cụ thể là Việt Nam, mà lại bị xử phạt ngừng XK là quá nặng nề và mang tính ”trừng phạt” không có cơ sở.

Trong các nội dung của Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cũng không có nội dung nào liên quan như nội dung quy định trên của TT55.

Các lô hàng XK đã được Cơ quan kiểm tra kiểm nghiệm đạt và cấp chứng thư để thông quan nhưng sang đến nước NK, Cơ quan kiểm nghiệm nước đó phát hiện không đáp ứng yêu cầu về ATTP và bị cảnh báo, hàng hóa bị trả về thì DN phải chịu trách nhiệm là bị cảnh báo, thậm chí bị đình chỉ XK. Những lô hàng bị cảnh báo chỉ là thực phẩm không đảm bảo ATTP theo quy định riêng của nước NK (chưa kể phần lớn các quy định đó được coi là những ”rào cản”), tuyệt đối không gây ngộ độc, truyền bệnh và lô hàng cũng chưa được lưu thông trên thị trường nước NK.

Còn Cơ quan kiểm tra lại là cơ quan thông báo tạm ngừng XK vào các nước NK có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận ATTP lô hàng và đề nghị Cơ quan thẩm quyền nước NK bỏ tên Cơ sở ra khỏi danh sách được phép XK vào nước NK có yêu cầu lập danh sách nếu Cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo ATTP hoặc vi phạm quy định.

Biện pháp trừng phạt quá nặng nề và bất hợp lý này đang gây tổn hại đến năng lực cạnh tranh của DN, đặc biệt hơn là đánh mất cơ hội kinh doanh của DN XK, trái với Luật ATTP, NĐ 91 và thông lệ quốc tế... Câu hỏi đặt ra ở đây là: Cơ quan soạn thảo TT55 đã dựa vào cơ sở pháp lý nào để đưa ra quy định buộc DN ngừng XK khi bị nước ngoài cảnh báo về ATTP?

Nguồn: http://www.vasep.com.vn