Thái Lan và trận kéo co Washington-Bắc Kinh ở châu Á
24/05/2013 12Cầm lái con thuyền chính trị trong bối cảnh tranh chấp kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một phép thử kỹ năng ngoại giao và chính trị của Thái Lan.
Thái Lan đã thể hiện “sự quan tâm” tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Mỹ là đạo diễn đằng sau TPP, trong đó không có sự tham gia của Trung Quốc. Trong RCEP, Trung Quốc lại là thành viên sáng lập chính, và Mỹ không phải là thành viên của sáng kiến này. Vậy hai hiệp định “thương mại tự do” khu vực này liệu sẽ đối đầu hay bổ sung cho nhau?
Điều chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng, đó là ít nhiều sẽ có sự cạnh tranh giữa RCEP của ASEAN và TPP.
Thái Lan hiện nay dường như gần RCEP hơn là TPP. Nhưng Washington đã gây áp lực buộc Thái Lan ít nhất là “thể hiện sự quan tâm” tham gia quá trình đàm phán. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã thực hiện một cách chính xác yêu cầu đó khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Thái Lan gần đây.
Cả hai hiệp định đều có cùng một số mục tiêu cơ bản – tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế - nhưng các ý kiến chỉ trích lại cho rằng TPP không chỉ giới hạn trong phạm vi hợp tác kinh tế. Trên thực tế, các vấn đề chính trị cũng trở thành một phần trong hiệp định hội nhập “ở cấp độ cao hơn” này, và được lồng ghép một chút vào “chương trình nghị sự ẩn” của TPP, cũng như công khai kết hợp với “mục tiêu hình thành một hiệp định khu vực lớn với tiêu chuẩn cao”.
Phe đối lập ở Thái Lan lo ngại rằng việc vội vàng gia nhập TPP có thể khiến Thái Lan rơi vào vực thẳm không đáy. Họ đã chỉ ra sự nguy hiểm khi Thái Lan đang bị lôi kéo vào “cái bẫy” về quyền sở hữu trí tuệ và đăng ký bằng sáng chế, những vấn đề có thể tác động lớn đến Thái Lan.
Những ý kiến ủng hộ lại cho rằng, Thái Lan không nên “bỏ lỡ cơ hội” và phải cố gắng hết sức để trở thành một phần của hội nhập kinh tế khu vực, một xu thế tất yếu cho tương lai.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã cố gắng đối thoại với phe đối lập xung quanh vấn đề này. Bà nhấn mạnh gia nhập TPP sẽ là một chặng đường dài. Bà cam kết khu vực tư nhân sẽ được tham vấn trước khi chính phủ đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc hội trước khi có bất kỳ một hành động cụ thể nào.
Hiệp định TPP khi bắt đầu vào năm 2005 chỉ có 4 thành viên: New Zealand, Chile, Brunei và Singapore. Tiếp đến, các quốc gia Mỹ, Canada, Australia, Peru, Việt Nam, Mexico và Malaysia đều đã tham gia quá trình đàm phán. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị gia nhập. Mục tiêu chính của TPP là thiết lập một khu vực thương mại tự do trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
TPP bao trùm phạm vi rất rộng, bao gồm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, lao động, dịch vụ tài chính, hàng rào kỹ thuật và các quy định khác.
Một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ tại Thái Lan nhận định: “Mỹ có thể đẩy mạnh TPP bởi Washington, không giống như Trung Quốc, chưa từng có bất kỳ thỏa thuận FTA thực sự nào với các nước châu Á trước đây”.
Cho đến nay, các học giả và lãnh đạo doanh nghiệp Thái Lan chưa có bất kỳ vướng mắc nào xung quanh TPP. ASEAN đã ký kết FTA với các đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
RCEP là một sáng kiến của ASEAN nhằm gộp tất cả các thỏa thuận FTA của khối thành một hiệp định thương mại tự do khu vực hợp nhất. ASEAN hy vọng hiệp định này sẽ cho phép hợp tác kinh tế sâu hơn so với các FTA hiện nay.
RCEP được xem là một động thái thuần túy kinh tế, trong đó Thái Lan đóng vai trò tích cực ngay từ giai đoạn đầu. Hiệp định này không đặt ra nhiều hoài nghi, ngoại trừ việc hiệp định này sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho Thái Lan trên thực tế.
Theo nghĩa rộng, một số nhà quan sát lưu ý rằng TPP và RCEP có thể là một khởi đầu mới cho xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mỗi bên đều cố gắng tạo lập các nhóm hợp tác kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của mình, qua đó thực hiện các mục tiêu chính trị và an ninh.
Một số học giả trong ASEAN đã bày tỏ lo ngại việc cạnh tranh giữa hai thỏa thuận có thể làm chia rẽ các nước thành viên ASEAN. Singapore, Malaysia và Việt Nam dường như đã tham gia hoàn toàn vào TPP, trong khi các thành viên khác trong ASEAN đều thiên về việc xây dựng RCEP trở thành một cơ chế kinh tế khu vực chính.
Điều này liệu có chia rẽ vai trò “trung tâm” của ASEAN? ASEAN hiện nay đã tập trong vào các sáng kiến như Hội nghị thưởng đỉnh Đông Á (EAS) và ASEAN+3. ASEAN sẽ mất đi vai trò trở thành động lực của khu vực nếu như không đi đúng hướng trong bối cảnh cuộc đối đầu Bắc Kinh – Washington.
ASEAN sẽ phải có các quyết định để làm thế nào đưa RCEP thành một khái niệm hội nhập kinh tế chủ chốt, trong khi vẫn liên kết với TPP để mở đường cho các chương trình hợp tác trên bình diện rộng hơn. Để có thể đạt được mục tiêu phức tạp và khó khăn này, điều trước tiên đó là các thành viên ASEAN cần phải đoàn kết hành động.
22/05/2013
Nguồn: Văn phòng UBQG về HTKTQT
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam