Tin tức

Malaysia tham gia cả RCEP và TPP

24/05/2013    23

Malaysia đang tham gia các cuộc đàm phán hướng tới hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này được coi là “đứa con tinh thần” của Mỹ. Nhưng vào tháng 11 năm 2012, thêm một thỏa thuận khu vực khác đã nổi lên, với hình thức là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

RCEP bao gồm các nước thành viên ASEAN và các quốc gia có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Trong khi đó, các thành viên của TPP có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm nước, bao gồm New Zealand, Chile, Brunei, Singapore, Mỹ, Canada, Australia, Peru, Việt Nam, Mexico và Malaysia. Như vậy, TPP không có sự tham gia của Trung Quốc và RCEP không có sự tham gia của Mỹ.

Không dễ nhận thấy ngay lập tức những điểm chung về kinh tế và địa lý của các thành viên của TPP. Các nước này có vị trí địa lý khá phân tán và có trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Sự ràng buộc giữa các nước là mối quan hệ chính trị với Mỹ. Vậy, Malaysia có vị trí chính xác như thế nào giữa hai hiệp định này? Ngay cả khi Malaysia có cơ hội, nước này cũng sẽ không nói không với TPP. Thực tế, Malaysia cũng không có cơ hội đó vì đàm phán TPP diễn ra trước RCEP.

Trước hết, Malaysia chào đón TPP vì TPP là con đường mang lại nhiều cơ hội mà nước này đã bỏ lỡ khi ký kết FTA song phương với Mỹ. Mỹ vẫn gợi lên một hình ảnh gì đó cao siêu trong tâm trí của các nhà hoạch định chính sách Malaysia. Hơn nữa, Malaysia cũng không muốn mối quan hệ hữu nghị với Mỹ gặp trở ngại. Kinh nghiệm của Thái Lan đã cho thấy, mặc dù có khuynh hướng nghiêng về RCEP nhưng Thái Lan cũng đã thể hiện ý muốn tham gia TPP trong chuyến thăm Băng Cốc của Tổng thống Barack Obama hồi năm ngoái.

Thứ hai, trong khi có dự đoán cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc và Ấn Độ, khả năng này khó xảy ra, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Điều đó có ý nghĩa cho đến khi hai nền kinh tế này cùng bắt tay với Mỹ. Việc tham gia TPP đòi hỏi Malaysia phải tuân theo các tiêu chuẩn về quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký sáng chế và mua sắm chính phủ. Ngành công nghiệp dược phẩm trong nước có thể chịu tác động tiêu cực theo các điều kiện của TPP, dẫn đến việc tiếp cận thuốc sẽ bị rút ngắn và chi phí chăm sóc y tế có thể tăng lên.

Ngoài ra, có thể ngành dịch vụ tài chính của Malaysia sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng của tự do hóa trong khuôn khổ TPP. Chắc chắn rằng cùng với các lợi ích thu được, Malaysia cũng phải chịu nhiều chi phí khi tham gia ký kết hiệp định TPP.

RCEP là một thỏa thuận mà Malaysia phải xem xét một cách nghiêm túc, vì hiệp định này bao gồm các đối tác FTA của ASEAN và cũng vì Trung Quốc là một lực lượng quan trọng đằng sau đó. Trung Quốc đã hợp tác với ASEAN từ lâu và có lợi ích tích cực trong việc trở thành đối tác với nhiều nước thành viên ASEAN, nhất là Malaysia có một mối quan hệ kinh tế đặc biệt với Trung Quốc. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Năm 2011, xuất khẩu của Malaysia sang Trung Quốc đạt 29,8 tỷ nhân dân tệ, và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 24,7 tỷ nhân dân tệ. Trung Quốc đã đầu tư khoảng 133 dự án với tổng vốn đầu tư là 826 triệu nhân dân tệ vào Malaysia và Malaysia đã chính thức thực hiện kế hoạch hợp tác kinh tế 5 năm (2013-2017) với Trung Quốc.

Lý do hấp dẫn khác giải thích vì sao Malaysia phải quan tâm đến RCEP là vì hiệp định này sẽ giúp gắn kết “vai trò trung tâm” của ASEAN. RCEP sẽ tạo nền tảng cho các đối tác FTA của ASEAN có thể cùng ngồi chung một bàn. Mặc dù Malaysia không quan tâm đến việc dẫn dắt ASEAN, nhưng nước này phải tuân thủ ý kiến của ASEAN và tham gia RCEP. Trong số các thành viên có cùng trình độ phát triển hoặc thấp hơn, RCEP sẽ mang lại ít nhu cầu cấp bách cho Malaysia hơn TPP. Vì vậy, không có bất tiện gì khi Malaysia trở thành một phần của RCEP.

ASEAN sẽ làm việc tích cực và thúc đẩy các cơ hội để khu vực này trở thành trung tâm thương mại và đầu tư. Đây cũng là một phần trong kế hoạch về vai trò trung tâm của ASEAN. TPP và RCEP không phải là những thỏa thuận loại trừ nhau. Nhưng một cách tiếp cận chiến lược hơn sẽ được thực hiện nhằm tăng cường các liên kết trong khu vực, tập trung xây dựng mối quan hệ với một số đối tác kinh tế quan trọng, và thực hiện cải cách thể chế cần thiết trước khi tham gia các hiệp định vốn có các yêu cầu nghiêm ngặt hơn.

Ở một số điểm cơ bản, khi TPP và RCEP bộc lộ sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, Malaysia sẽ phải sử dụng kỹ năng ngoại giao để cân bằng sự cạnh tranh giữa hai nước này.

 

Nguồn: http://www.nciec.gov.vn