Tin tức

Indonesia sẽ tham gia TPP nếu RCEP đình trệ

24/05/2013    34

Quan điểm của chính phủ Indonesia về hiệp định thương mại tự do với Mỹ và các nước khác trong khu vực Thái Bình Dương dường như đã dịu đi khi đưa ra tuyên bố việc tham gia các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào các hiệp định thương mại với các đối tác chính trong khu vực.

Bộ trưởng Thương mại Gita Wirjawan đã ám chỉ việc Indonesia sẽ tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi đạt được tiến triển về hiệp định thương mại với Hàn Quốc và hiệp định khu vực giữa ASEAN với 6 nước đối tác.

ASEAN dự kiến bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand từ tháng 5 năm 2013. Hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực kinh tế với hơn 3 tỷ người và có giá trị kinh tế đạt khoảng 17,23 nghìn tỷ USD vào năm 2015.

Ngoài ra, Indonesia hy vọng có thể hoàn tất một hiệp định đối tác toàn diện (CEPA) với Hàn Quốc vào cuối năm nay, nhằm đưa thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD vào năm 2020. Nếu đàm phán RCEP và CEPA với Hàn Quốc cùng đạt kết quả tốt, ngoài những đàm phán tương tự với các đối tác song phương hay đa phương khác, sẽ góp phần củng cố mong muốn của Indonesia theo đuổi các đàm phán khác. Sẽ không có gì là không thể đối với Indonesia khi tìm kiếm phương án thay thế, kể cả TPP.

Indonesia từng nhiều lần khẳng định quan điểm rằng trong ngắn hạn, nước này sẽ không tham gia đàm phán TPP vì không chắc sẽ thu được lợi ích đáng kể từ hiệp định này. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Indonesia dường như đã phản ánh động thái mới của nước này về TPP, được nhiều nước quan sát như một viên đá lát đường nhằm tiến tới một Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) rộng lớn hơn với 44% tổng giá trị thương mại toàn cầu và 54% sản lượng kinh tế thế giới.

Được gọi là “hiệp định thương mại của thế kỷ”, TPP chuyển sang mức độ tự do hóa cao, bao gồm các lĩnh vực ngoài các hiệp định thương mại tự do thông thường.

Các tranh luận về TPP đang bắt đầu trở nên nóng hơn, ngay cả ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, hiện đang có thuế suất nhập khẩu thấp ở mức bình quân 6,5% đối với hầu hết hàng hóa từ các đối tác thương mại, nhưng vẫn đặt ra thuế nhập khẩu cao với sản phẩm nông nghiệp như gạo, đường và sản phẩm sữa, nhằm bảo vệ những người nông dân trong nước.

TPP bắt đầu được đàm phán năm 2005 và hiện nay có sự tham gia của 11 nước trong vành đai Thái Bình Dương, từng dự kiến hoàn tất hiệp định vào cuối năm 2013, hay thậm chí sớm hơn khi các nhà lãnh đạo cấp tham dự hội nghị thường niên trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ được tổ chức vào tháng 10/2013 tại Bali.

Ông Iman Pambagyo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác thương mại quốc tế Bộ Thương mại Indonesia đã mô tả các cam kết trong TPP là “quá cao” đối với các nước đang phát triển như Indonesia và cho rằng ở thời điểm hiện tại, quốc gia này chưa thể ra quyết định về việc tham gia TPP.

Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ, TPP sẽ làm tăng sản lượng kinh tế của Indonesia thêm 4% trên mức cơ sở vào năm 2025, một phần do làm tăng xuất khẩu lên khoảng 20%.

Các ưu đãi trong TPP sẽ cho phép xuất khẩu của Indonesia (trị giá khoảng 4,5 tỷ USD) sang Mỹ có thể cạnh tranh tốt hơn với các hàng hóa tương tự từ Việt Nam, nước đã tham gia TPP.

Ông Djisman Simanjuntak, chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Indonesia cho rằng khả năng Indonesia tham gia TPP sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến triển của RCEP. Nếu TPP tiến triển tốt còn RCEP bế tắc thì Indonesia sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải xem xét tham gia TPP.

 

22/05/2013

 Nguồn: Văn phòng UBQG về KTQT