Hé mở thuế chống trợ cấp tôm Việt Nam
20/05/2013 22Mức thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ có khả năng chỉ ở mức 1 chữ số.
Nhiều nguồn tin khác nhau cho thấy, Thái Lan- nhà xuất khẩu tôm lớn nhất sang thị trường Mỹ- có khả năng sẽ bị áp thuế chống trợ cấp 2%, mức thuế gần như không có bất kỳ tác động nào trên thị trường.
Ấn Độ có thể sẽ phải chịu mức thuế sơ bộ 7%. Đây là mức thuế suất có thể khiến việc đấu tranh đòi giảm thuế chống bán phá giá xuống dưới 10% của nước này rơi vào tình huống khó xử.
Một số công ty ở hai quốc gia này có thể sẽ chịu mức thuế riêng rẽ thấp hơn.
Trung Quốc và Malaysia có khả năng sẽ phải chịu mức thuế sơ bộ cao. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng đối với thị trường Mỹ.
Thay vào đó, khi nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh như hiện nay, người bán có không ít cơ hội để thâm nhập vào các thị trường có nhiều thuận lợi hơn Mỹ.
Thực tế, về lâu dài, tác động lớn nhất của thuế chống trợ cấp không phải là việc ép buộc các nước, các công ty xuất khẩu sang Mỹ phải trả thuế cao hơn, mà ngược lại, nó có thể làm mất dần vai trò hàng đầu của thị trường Mỹ trên trường quốc tế. Do đó Trung Quốc, Trung Đông và thậm chí châu Âu sẽ trở thành những thị trường hấp dẫn hơn và chiếm thị phần lớn hơn trong tổng sản lượng toàn cầu.
Mức tiêu thụ bình quân trên đầu người của Mỹ cao nhất ở mức 4,2 pound/người vào năm 2011, sau đó giảm vào năm 2012 và có thể sẽ giảm mạnh xuống dưới 4 pound/người vào năm 2013.
Trong trường hợp này, nhiều ý kiến cho rằng, các luật sư đại diện cho các nhà chế biến tôm Mỹ cũng khó có thể đàm phán để ký kết thỏa thuận riêng rẽ với các nước bị áp thuế chống trợ cấp cao, bởi lẽ các nạn nhân mong đợi của Mỹ không thiếu cơ hội xuất khẩu sang các thị trường ít rào cản hơn.
Ecuador có thể phải đối mặt áp mức thuế chống trợ cấp ở mức tối thiểu (không vượt quá 2%). Mức thuế chống trợ cấp đối với Indonesia và Việt Nam cũng có khả năng ở mức 1 chữ số.
Một câu hỏi lớn mà các nhà nhập khẩu quan tâm là liệu có quyết định thuế chống trợ cấp nào mang tính hồi tố không? Điều này có thể xảy ra nếu có yêu cầu xem xét các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên cho đến nay, chưa từng thấy các nhà chế biến tôm Mỹ đưa ra yếu cầu này, chủ yếu là vì họ phải đưa ra bằng chứng về việc khối lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tăng mạnh trong giai đoạn trước khi nộp đơn kiện. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2013 lại giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, sự thận trọng khi mua hàng trong điều kiện giá tôm đã tăng tới 16% kể từ đầu tháng 1/2013.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng cũng cần phải có cơ sở khi viện dẫn các trường hợp khẩn cấp của từng doanh nghiệp.
Sắp tới, việc trì hoãn trong chu kỳ sản xuất tôm ở Đông Nam Á sẽ kết thúc và sản lượng tôm cung cấp ra thị trường sẽ tăng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Do đó, nhiều khách hàng hiện đang tạm ngừng giao dịch, hy vọng giá sẽ tốt hơn trong thời gian tới, còn một số khách hàng khác lại đang chờ tình hình thuế chống trợ cấp rõ ràng hơn.
Điều đó có nghĩa là, sẽ phải gánh thêm chi phí phát sinh từ thuế chống trợ cấp trong khi thị trường đang suy giảm. Và như vậy nghĩa là, các nhà sản xuất khó có thể bù đắp được chi phí dù giá bán cao hơn, còn người mua sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc đề nghị giảm giá.
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam