Tin tức

“Trong FTA, công nhận lẫn nhau về GI là khả thi”

09/05/2013    15

Không có hạn chế nào, yếu điểm nào trong các sản phẩm nông sản của Việt Nam khi đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý (GI) tại Liên minh châu Âu (EU)” - ông Silva Rodriguez - cố vấn cấp cao Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ủy ban châu Âu)- khẳng định.

Việt Nam được thế giới biết đến là một nước xuất khẩu nông sản. Theo ông, tại sao đến nay Việt Nam mới chỉ có 1 sản phẩm được công nhận GI tại thị trường EU?

Đó là do thủ tục dài dòng. Chúng tôi muốn đảm bảo sản phẩm không có tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo một số yếu tố liên quan đến chất lượng. Hệ thống GI của EU là hệ thống mở, sẵn sàng đón nhận đăng ký mới. Trong tương lai, cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam sẽ là sản phẩm tiếp theo.

Ông nói thủ tục đang là rào cản trong việc chứng nhận GI cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Theo ông, giải pháp nào sẽ thay đổi được tình trạng này?

Câu hỏi này không chỉ đối với Việt Nam mà đối với nhiều nước khác khi đăng ký vào Hệ thống chỉ dẫn địa lý châu Âu. Từ nhận biết sản phẩm “ứng viên” cho tới thương mại hóa ở nước xuất xứ là cả một quá trình, với rất nhiều tham vấn và xác minh. Chúng tôi đang cố gắng giảm thời gian và làm cho các thủ tục đơn giản hơn. Tôi tin tưởng, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (FTA VN-EU) được ký kết sẽ là cơ hội thực sự cho lợi ích chung, qua đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam được công nhận nhãn GI hơn và vấn đề thủ tục cũng sẽ dễ dàng hơn.

Tại EU đã hình thành 3 hệ thống bảo hộ (với 2 logo có chung mức bảo hộ) liên quan đến chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn xuất xứ được bảo hộ (PDO), chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI), bảo đảm đặc sản truyền thống (TSG).

Đến nay, đã có 14 nhãn hiệu nông sản ngoài khu vực EU được chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU, trong đó, Trung Quốc có 10 nhãn hiệu, còn lại Colombia, Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan mỗi nước một nhãn hiệu.

Sản phẩm nông sản của Việt Nam được hưởng lợi gì từ việc được công nhận GI?

Việt Nam được thị trường quốc tế biết đến nhiều hơn từ các sản phẩm dán nhãn GI. GI mang lại 3 lợi ích lớn, ngoài các lợi ích về du lịch, bảo vệ môi trường, truyền thống văn hóa. Thứ nhất, lợi ích cho nhà sản xuất. Tên quốc gia được bảo lưu cùng sản phẩm mang đặc trưng và được sản xuất trong khu vực địa lý phân định (Bảo hộ sở hữu trí tuệ). Sự khác biệt trên thị trường mang lại giá trị gia tăng bằng giá tốt hơn và sự phân chia cũng tốt hơn. Nhãn GI có thể được dùng chung cho tất cả các nhà sản xuất có cùng thông số chi tiết. Sản phẩm được bảo hộ hành chính bởi các cấp chính quyền.

Thứ hai, mang lại giá trị gia tăng. Giá trị thượng hạng mà một GI có thể đạt được từ thị trường, so với các sản phẩm không có GI. Trung bình, giá của sản phẩm GI cao gấp 2,23 lần giá sản phẩm tương tự không có GI.

Thứ ba, lợi ích cho người tiêu dùng. Sản phẩm được bảo đảm về xuất xứ, bảo đảm chất lượng qua các thông số chi tiết, bảo đảm tính chân thực do không có sự bắt chước, bởi sự kiểm soát ở nơi sản xuất và trên thị trường.

Trong đàm phán FTA VN – EU, nội dung bảo hộ chỉ dẫn địa lý có được đề cập tới không, thưa ông?

Khi FTA VN – EU được ký, GI sẽ là một phần trong đó. Chúng tôi mong muốn các quốc gia có một hệ thống bảo vệ GI rõ ràng. Đến nay, không có khó khăn nào cho vấn đề này, bởi Việt Nam có cách tiếp cận tương đồng với các quốc gia trong hệ thống GI của EU. Tôi nghĩ, trong FTA, công nhận lẫn nhau về GI là khả thi.

Mặt khác, việc Việt Nam và EU ký FTA sẽ mở ra cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam đăng ký và được công nhận GI. Sản phẩm được công nhận GI không chỉ mang lại giá trị gia tăng cho cộng đồng, mà còn khẳng định thương hiệu của chính sản phẩm đó. Chẳng hạn, việc sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo vệ tốt ở thị trường châu Âu sẽ tạo nên giá trị gia tăng cho cộng đồng, tốt cho người tiêu dùng và khẳng định thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” trên thị trường thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn