Argentina và Brasil gia tăng biện pháp cứng rắn hạn chế nhập khẩu
18/03/2013 66Đề cập đến Argentina, báo cáo của Ủy ban chỉ rõ, nước này đang tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự tiếp cận của hàng hóa và dịch vụ từ bên ngoài vào lãnh thổ của họ bằng một khung các chính sách tái công nghiệp hóa và thay thế hàng nhập khẩu.
Nguồn tin của Efe từ Brussel cho biết, ngày 14/3/2013, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) vẫn tiếp tục duy trì khá nhiều rào cản đối với thương mại, trong đó đặc biệt là hai nước Argentina và Brasil đã gia tăng các biện pháp cứng rắn hạn chế nhập khẩu.
Ủy ban này đã công bố báo cáo thường niên về các rào cản đối với thương mại hiện hành trong quan hệ buôn bán giữa EU với các đối tác thương mại chủ yếu, ngoài Mercosur, báo cáo cũng đề cập đến một số nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản Ấn Độ và Liên bang Nga, để đệ trình trong cuộc Họp Thượng đỉnh của khối khai mạc ngày hôm qua tại Brussel, Bỉ.
Về Argentina, EC nêu rõ, Buenos Aires đang tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào lãnh thổ của họ dưới chiêu bài một khung chính sách tái công nghiệp hóa và thay thế hàng nhập khẩu.
Vào tháng 10/2012 EU cũng đã quyết định khởi kiện Argentina trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp mà Chính phủ nước này đã ban hành và áp dụng buộc các nhà nhập khẩu phải khai báo và xin phép trước khi ký hợp đồng nhập khẩu. mặc dầu Buenos Aires đã dỡ bỏ các quy định về giấy phép nhập khẩu không tự động và một số biện pháp hành chính khác vào giữa tháng 1 năm nay, nhưng Brussel vẫn quả quyết rằng, nhiều biện pháp bảo hộ vẫn tiếp tục hiện hữu gây nhiều khó khăn cho thương mại.
EC đồng thời cũng chỉ ra rằng, càng ngày Argentina càng áp dụng nhiều biện pháp hạn chế việc chuyển ngoại hối, lợi nhuận, cổ tức và nhiều quyền khác hợp pháp của các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Argentina; bắt buộc các nhà nhập khẩu phải thi hành nghiêm túc yêu cầu về cân bằng trong nhập khẩu (Chính phủ quy định các công ty chỉ được nhập khẩu một lượng hàng hóa tương đường với trị giá họ đã xuất khẩu được), và ngoài ra vẫn tiếp tục duy trì các rào cản trong lĩnh vực bảo hiểm.
Báo cáo nhấn mạnh Chính phủ Argentina vẫn đang tập trung tìm kiếm và áp dụng các biện pháp đối với một số ngành và lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm hướng tới việc tăng hàm lượng nội địa hóa trong các ngành nghề như khai thác khoáng sản, chế tạo ô tô, sản xuất giày dép, chế biến lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hóa chất và ngành dệt, cũng như một số ngành khác trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin, truyền thông.
Báo cáo của EC cũng đề cập lại việc Chính phủ Argentina đã quyết định trưng thu phần lớn cổ phần của công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol liên doanh với YPF. Hành vi này EC đánh giá là có thể vi phạm nguyên tắc về phân biệt đối xử bởi vì Chính phủ chỉ chiếm dụng các cổ phần của Tây Ban Nha và cho đến nay vẫn chưa giải quyết việc bồi hoàn.
Liên quan đến Brasil, báo cáo nhấn mạnh, Chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp kiểm tra hải quan rất nghiêm ngặt đối với nhập khẩu hàng dệt may, quần áo kể từ quý IV/2011. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng này đều bị kiểm tra hải quan rất nghiêm ngặt kể cả việc lấy mẫu để phân tích ở các phong kỹ thuật. Ngoài ra việc tiếp cận thị trường khu vực công cộng, chưa thấy có dấu hiệu được cải thiện trong năm 2012, kể từ khi Brasilia áp dụng biên độ ưu đãi theo chiều rộng 25% trong luật quốc gia về đầu thầu công cộng, đã gây ảnh hưởng đáng kể đối với lĩnh vực công nghệ và thông tin truyền thông.
Báo cáo phản ánh rõ nét về các vấn đề liên quan đến thuế nội địa cũng như việc Mercosur quyết định tăng thuế nhập khẩu ngoài khu vực đối với 100 dòng thuế. Biện pháp này tuy không trái với các quy định của WTO., nhưng rõ ràng đã đi ngược lại với cam kết chính trị của Nhóm G20 hướng tới loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ.
Liên quan tới các rào cản của Argentina và Brasil trong lĩnh vực vận tải biển và xuất khẩu nguyên liệu, báo cáo của EC khuyến cáo, nên xem xét và đề cập chi tiết hơn trong khuôn khổ các vòng đàm phán về Thỏa thuận liên kết đối tác chiến lược giữa EU và Mercosur. Tuy nhiên cho đến nay việc đàm phán thỏa thuận này không có nhiều tiến triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, kể từ khi nối lại đàm phán thỏa thuận này từ năm 2010 sau khi đã bị gián đoạn 6 năm trước đó.
Báo cáo cũng đề cập đến việc Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì nhiều rào cản đối với đầu tư, cũng như nhiều hạn chế đối với một số ngành công nghiệp. Trong lúc đó, Ấn Độ đã ban hành các biện pháp bổ sung phi lý nhằm tiếp tục đóng cửa thị trường lương thực, thực phẩm nội địa đối với hàng xuất khẩu từ bên ngoài, còn Liên bang Nga vẫn tiếp tục kiên định chính sách bảo hộ đối với các sản phẩm điện tử và năng lượng xanh, cũng như tỏ rõ thái độ phân biệt đối xử với xe ô tô nhập khẩu.
Đề cập đến Mỹ và Nhật Bản là các đối tác mà EU sẽ sớm triển khai đàm phán thỏa thuận thương mại tự do, báo cáo của EC cũng đã hoan nghênh các tiến bộ mà hai đối tác này đạt được trong việc loại bỏ đáng kể các rào cản thương mại trong thời gian qua.
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Tổng thống Trump tiết lộ động thái mới giúp 'hàn gắn' quan hệ thương mại với Trung Quốc
- Ông Trump áp thuế 100% với phim sản xuất ngoài nước Mỹ do điện ảnh "suy yếu"
- EC lùi thời gian thanh tra “thẻ vàng” IUU đến cuối năm
- Thuế phụ tùng ô tô của Mỹ có hiệu lực, các nhà sản xuất xe lo lắng
- Các công ty Canada chuyển hướng tìm kiếm sang thị trường Việt Nam