Cá tra Việt Nam xuất khẩu rộng đường hơn nhờ ASC
15/03/2013 113Với 15 vùng nuôi đạt chứng nhận ASC- chứng nhận của Hội đồng Nuôi trồng Thủy sản bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói riêng và ngành cá tra Việt Nam nói chung sẽ có thêm lợi thế để cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ chính, mở ra cánh cửa dẫn đến thị trường mới và nâng cao hình ảnh “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế...
Thêm lợi thế cạnh tranh
Bất chấp những ngày tháng ảm đạm, sóng gió trên thị trường cả trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp cá tra ở ĐBSCL vẫn nỗ lực đạt mục tiêu nuôi cá sạch, hướng tới phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra ở Việt Nam.
Thông tin trên website asc-aqua.org cho thấy, đến nay đã có 15 vùng nuôi cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận của Hội đồng Nuôi trồng Thủy sản bền vững (ASC).
Cụ thể đó là vùng nuôi NTACO (Công ty CP NTACO); Vùng nuôi Cồn Lát (Công ty CP Thủy sản Vinh Quang); Vùng nuôi Phú Túc (Công ty CP Hùng Vương); Vùng nuôi 48 ha tại vùng đất phèn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Công ty TNHH MTV Nuôi trồng, Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Hoàng Long); Trang trại Ba Lai xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (Công ty TNHHChế biến Thực phẩm Thương mại Ngọc Hà); Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản tại huyện Thốt Nốt, Cần Thơ (Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông); Vùng nuôi số 1 (Công ty CP Việt An); Trang trại Vạn Ý (Công ty TNHH Hùng Cá); Trại nuôi ở cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre(Công ty CP Thủy sản Gò Đàng); Trại nuôi số 1 & 6 tại Đồng Tháp (Công tyCP Docifish); Vùng nuôi Tân Lộc (Công ty CPNTSF Seafoods); Và Xí nghiệp Nuôi trồng Thủy sản Thanh Bình tại ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp (Công ty CP Tô Châu). Riêng Công ty CP Vĩnh Hoàn đã có hai vùng nuôi đạt ASC là vùng nuôi Tân Hoa và Tân Thuận Đông.
Vùng nuôi mới nhất đạt được chứng nhận ASC là của Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long, có diện tích 12 ha, sản lượng đạt 4.000 tấn/năm nằm ở xã Tân Long (Thanh Bình, Đồng Tháp). Sản lượng cá tra đạt chứng nhận ASC của Công ty CP XNK Cửu Long sẽ được cung cấp cho các nhà nhập khẩu ở Hà Lan, Hy Lạp và một số nước khác thuộc EU.
Hiện, đang có 3 trại nuôi khác phấn đấu để đạt được chứng nhận ASC gồm: Trang trại Cồn Bần (Công ty CP Hùng Vương); Trang trại số 1 Mỹ Hòa Hưng (Công ty CP Nam Việt); Trang trại Cồn Linh (Công ty CP Gò Đàng).
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết: “Tuân theo tiêu chuẩn ASC không những tốt cho môi trường mà còn có lợi cho doanh nghiệp, bởi ASC mở ra cánh cửa dẫn đến những thị trường mới tại châu Âu và Mỹ. Với những sản phẩm được dán nhãn ASC, chúng tôi có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đảm bảo với khách hàng rằng, họ đang mua một sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm”.
Thuận lợi hơn vào EU
Theo số liệu thống kê của VASEP, xuất khẩu cá tra Việt Nam từ ngày 1/1 – 15/2/2013 sang EU đạt hơn 48,2 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là tín hiệu đáng mừng cho cá tra Việt Nam sau thời gian dài sụt giảm mạnh trong năm 2012. Sự tăng trưởng này có phần đóng góp của cá tra đạt chứng nhận ASC.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết: Các sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC vào EU đang có nhiều thuận lợi hơn so với cá tra chưa có chứng nhận này bởi hiện nay, các nhà nhập khẩu và bán lẻ lớn ở EU đang dành sự quan tâm và ưu ái hơn đối với các sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC, đặc biệt, ở những nước có những nhà nhập khẩu lớn như Đức, Hà Lan, Anh… đã hình thành một khuynh hướng rõ ràng trong việc ưu tiên nhập khẩu cá tra đạt chứng nhận ASC.
Ngay từ bây giờ, tại các nước như Đức, Hà Lan, Anh và Italia, một số nhà bán lẻ đã tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm cá tra không có chứng nhận ASC để chuẩn bị cho việc bán cá tra có ASC. Và trong thời gian tới, các nhà bán lẻ ở EU sẽ chỉ ưu tiên bán các sản phẩm cá tra có ASC, ông Hòe cho biết thêm.
Theo dự báo của Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), về lâu dài, các nhà bán lẻ ở EU sẽ chỉ bán cá tra đạt chứng nhận ASC. Không chỉ ở thị trường bán lẻ mà trong phân khúc dịch vụ thực phẩm, các nhà tiêu thụ cũng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới cá tra có chứng nhận ASC.
Cơ hội lấy lại vị thế
Tại thị trường Đức, sau mấy năm liên tục sụt giảm vì một số phương tiện truyền thông nước này bôi xấu thì đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra nước ta sang Đức đã và đang có sự tăng trưởng trở lại khá ấn tượng.
Theo số liệu của VASEP, từ đầu năm đến ngày 15/2/2013, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Đức đạt hơn 6,98 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều đáng ghi nhận khi nhìn lại năm 2012, xuất khẩu cá tra sang Đức liên tục giảm trong suốt 12 tháng, trong đó có một số tháng giảm trên 50%.
Không những thế, các sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC đang được bán lẻ trên thị trường này còn có giá cao hơn hẳn so với cá tra chưa có ASC. Báo cáo phân tích của CBI cho thấy, trong phân khúc bán lẻ tại Đức, cá tra fillet đông lạnh đạt chứng nhận ASC có giá 12 Euro/kg, cao hơn nhiều so với 4,38 Euro/kg cá tra không có chứng nhận.
Cũng theo ông Hòe, giá xuất khẩu cá tra đạt chứng nhận ASC sang EU nhìn chung đang cao hơn khoảng 10% so với cá tra chưa có chứng nhận này. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích của các doanh nghiệp, bởi khi sản lượng cá tra đạt chứng nhận ASC ngày càng tăng lên, đồng nghĩa với việc sản lượng cá tra chưa có ASC giảm đi, thì sự chênh lệch về giá sẽ giảm xuống. Điều quan trọng hơn là khi có chứng nhận ASC, cá tra Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để lấy lại hình ảnh, cũng như củng cố vị thế của mình tại thị trường EU, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà nhập khẩu lẫn người tiêu dùng tại thị trường vốn được xem là rất quan trọng này.
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Tổng thống Trump tiết lộ động thái mới giúp 'hàn gắn' quan hệ thương mại với Trung Quốc
- Ông Trump áp thuế 100% với phim sản xuất ngoài nước Mỹ do điện ảnh "suy yếu"
- EC lùi thời gian thanh tra “thẻ vàng” IUU đến cuối năm
- Thuế phụ tùng ô tô của Mỹ có hiệu lực, các nhà sản xuất xe lo lắng
- Các công ty Canada chuyển hướng tìm kiếm sang thị trường Việt Nam