Tin tức

Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chọn mẫu trong điều tra CBPG sợi Việt Nam

25/02/2013    21

Liên quan đến vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm sợi nhập khẩu từ Việt Nam, ngày 18 tháng 01 năm 2013, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, do số lượng bản trả lời câu hỏi từ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) sản phẩm sợi tương đối nhiều nên cơ quan điều tra nước này quyết định sử dụng phương pháp chọn mẫu (sampling) để xác định và tính toán biên độ phá giá. 

Theo đó, biên độ phá giá sẽ được tính toán riêng đối với mỗi công ty được chọn mẫu. Thông thường, biên độ này sẽ thấp hơn biên độ AD (nếu có) của những doanh nghiệp không được chọn mẫu.Tuy nhiên, trong trường hợp các doanh nghiệp được lựa chọn không hợp tác với cơ quan điều tra trong các giai đoạn điều tra tiếp theo thì cơ quan điều tra sẽ chọn một công ty khác để  thay thế.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp không được lựa chọn mẫu nhưng hợp tác  với cơ quan điều tra thì biên độ phá giá (nếu có) của những doanh nghiệp này sẽ được tính toán theo phương pháp bình quân gia quyền (biên độ AD này có thể sẽ cao hơn biên độ của những doanh nghiệp được chọn mẫu nhưng vẫn thấp hơn những doanh nghiệp không được chọn làm mẫu và không tham gia hợp tác với cơ quan điều tra).

Theo thông tin từ Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đối với mặt hàng bị điều tra, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất vào Thổ Nhĩ Kỳ (bản câu hỏi cho thấy rằng các công ty sản xuất của Việt Nam chiếm 71,3% tổng lượng xuất khẩu).

Để đảm bảo ứng phó hiệu quả với vụ việc, các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác tích cực và đầy đủ với cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt giai đoạn điều tra.

Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra thời hạn để các doanh nghiệp/Hiệp hội liên quan đưa ra bình luận về vấn đề này, tuy nhiên, nếu các bên liên quan có những ý kiến phản hồi, cần gửi sớm cho cơ quan điều tra.

Một số thông tin về vụ việc:

Ngày 18 tháng 10 năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi nhân tạo và tổng hợp (Yarn of Man Made or Synthetic or Artificial Staple Fibres) gồm mã CN 55.08, 55.09, 55.10, 55.11 (ngoại trừ các mã 5509.52, 5509.61, 5509.91 và 5510.20 từ Việt Nam, Malaysia, Ai Cập, Pakistan và Thái Lan (đăng trên Công báo).

Theo trình tự thủ tục điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được bản câu hỏi điều tra từ phía cơ quan điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ và đã tiến hành trả lời bản câu hỏi này.

Nguyên đơn: 19 công ty khiếu nại lên Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm các tập đoàn, công ty sản xuất sợi và may mặc lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Giai đoạn điều tra: từ 01/01/2011- 31/12/2011

 Đối với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ năm 2004 cho đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 9 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, trong đó có 04 vụ điều tra chống bán phá giá (đối với sản phẩm vải bạt, dây curoa, lốp xe đạp xe máy, sợi), 02 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (đối với sản phẩm điều hòa nhiệt độ, bật lửa ga) và 03 vụ kiện tự vệ (đối với sản phẩm vải dệt, quần áo, giày).

Đối với sản phẩm sợi, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt (trước đó là vụ việc Brazil kiện năm 2010 và Ấn Độ kiện năm 2008).

Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh