Nguy cơ tôm Việt Nam bị Mỹ đánh thuế 2 lần
07/01/2013 16
Ngày 28/12/2012, Liên minh Khai thác tôm Mỹ (Coalition of Gulf Shrimp Industries – COGSI) đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm NK từ Việt Nam và 6 nước khác là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc, với lý do nghi ngờ tôm NK từ các nước này nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ.
Chính phủ Mỹ sẽ điều tra tại sao giá tôm của 7 nước trên khi NK vào thị trường Mỹ lại thấp hơn giá của DN nội địa. Đối với Việt Nam, Mỹ có thể sẽ xem xét 14 nội dung mà Mỹ nghi ngờ chính phủ có trợ cấp đối với ngành tôm.
Đối với Trung Quốc, Mỹ sẽ xem xét 7 nội dung, Ecuador: 4 nội dung, Ấn Độ: 7 nội dung, Indonesia: 4 nội dung, Malaysia: 8 nội dung và Thái Lan: 5 nội dung.
Có 2 cơ quan thụ lý hồ sơ vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam. Một là Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ điều tra tôm Việt Nam gây thiệt hại vật chất nhiều hay ít cho ngành tôm nội địa Mỹ. Hai là Bộ Thương mại Mỹ sẽ tính toán mức thiệt hại do tôm Việt Nam gây ra cho các DN Mỹ. Từ đó, chính phủ Mỹ sẽ áp đặt một khoản thuế chống trợ cấp.
VASEP đã thông tin về vụ kiện cho các DN trong ngành. Theo đó, các bên sẽ tập hợp số liệu, giấy tờ cần thiết để chứng minh, trả lời cho phía Mỹ.
Đối với vụ kiện chống trợ cấp, vai trò của chính phủ, cơ quan chính quyền rất quan trọng để quyết định sự thành công hay thất bại.
Nếu chính phủ Mỹ kết luận tôm Việt Nam bán theo giá được trợ cấp, các DN Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi XK sang Mỹ vì khi đó con tôm bị áp cả 2 loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp.
Dự kiến ngày 22/7/2013 (205 ngày kể từ ngày có đơn kiện) sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng nếu việc điều tra không bị hoãn lại.
Năm 2012, Mỹ là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản, chiếm trên 20% tỷ trọng giá trị XK tôm của Việt Nam. XK tôm sang Mỹ năm qua gặp phải nhiều trở ngại như suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm và cả thuế chống bán phá giá.
Quy trình của một vụ kiện chống trợ cấp |
1. Tiến hành điều tra (20 ngày sau khi khởi kiện) 2. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đưa ra phán quyết sơ bộ về việc gây thiệt hại (45 ngày sau khi có đơn kiện) 3. Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết sơ bộ về việc trợ cấp (40 ngày sau khi có quyết định sơ bộ của Ủy ban Thương mại Quốc tế) 4. Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng (75 ngày sau khi công bố phán quyết sơ bộ) 5. Ủy ban Thương mại Quốc tế đưa ra kết luận cuối cùng (120 ngày sau phán quyết sơ bộ hoặc 45 ngày sau khi có phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại) |
Nguồn: http://www.vasep.com.vn
- Tổng thống Trump tiết lộ động thái mới giúp 'hàn gắn' quan hệ thương mại với Trung Quốc
- Ông Trump áp thuế 100% với phim sản xuất ngoài nước Mỹ do điện ảnh "suy yếu"
- EC lùi thời gian thanh tra “thẻ vàng” IUU đến cuối năm
- Thuế phụ tùng ô tô của Mỹ có hiệu lực, các nhà sản xuất xe lo lắng
- Các công ty Canada chuyển hướng tìm kiếm sang thị trường Việt Nam