Năm 2012: Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD
26/12/2012 25
Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1992 (xuất siêu 40 triệu USD), trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, kết quả hoạt động xuất nhập khẩu năm nay là điểm sáng. Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%.
Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước.
Theo đánh giá của bà Lê Thị Minh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và dịch vụ, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp.
Năm 2012 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng nông sản không cao do ảnh hưởng của đơn giá thế giới giảm. Các mặt hàng như dây và cáp điện; sản phẩm gốm sứ; giày dép; dệt may vẫn giữ mức tăng khá.
Nhìn tổng thể, đây là bức tranh sáng của xuất nhập khẩu năm 2012. Tuy nhiên, trong cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là khu vực FDI và chủ yếu là các mặt hàng điện tử, điện thoại, chíp và gia công nên giá trị thực chất, giá trị sống được đầu tư cho hàng hóa xuất khẩu không lớn. Thứ hai là Việt Nam đang phải nhập nguyên vật liệu chủ yếu ở khối FDI, vậy làm thế nào để khắc phục sản xuất trong nước và nguyên liệu chế biến.
“Chúng ta phải thiết lập và phát triển chuỗi giá trị mang tính liên kết tăng tỷ lệ nội địa hóa để mang tính cao hơn trong xuất khẩu”- bà Thủy nhấn mạnh thêm.
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch tháng 12 ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 6,5/5 so với tháng trước và tăng 13% so với năm 2011. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD.
Như vậy, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm nay đặt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây và đây cũng là năm đầu tiên xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1992.
Mặt hàng nhập khẩu năm nay tăng chủ yếu là một số mặt hàng phục vụ gia công, lắp ráp như điện tử, máy tính và linh kiện; phụ liệu dệt may, giày dép…Nhiều mặt hàng nguyên liệu tăng thấp hoặc giảm cả về lượng và trị giá như hóa chất; xăng dầu; phân bón; sắt thép; sợi dệt; bông…Thực trạng trên phản ánh nhu cầu của đầu twvaf tiêu dùng trong nước. Nhập khẩu ô tô năm nay ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 32,5% trong đó ô tô nguyên chiếc 605 triệu USD, giảm 41,2%. Mức giảm mạnh do chính sách hạn chế phương tiện ô tô của Nhà nước cũng như doanh nghiệp và người dân thắt chặt chi tiêu.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 28,9%, tăng 17,6% so với năm 2011.
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Thủ tướng: Phía Mỹ đã đưa lịch trình đàm phán thương mại cụ thể, thiện chí
- Bộ trưởng Tài chính Mỹ thừa nhận vẫn chưa có đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Cơ hội "hạ nhiệt" căng thẳng thương mại toàn cầu
- Xu hướng đồng USD mất giá và tác động tại châu Á
- Nhà Trắng: Chưa có quyết định cuối cùng về áp thuế đối với phim nước ngoài