Tóm tắt Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)

12/12/2012    11626

Thông tin cơ bản

ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11/2002. Trên cơ sở Hiệp định khung, các Bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010).

Tháng 11/2015, các Bên ký Nghị định thư sửa đổi một số nội dung của các Hiệp định trước, có hiệu lực từ 5/2016.

Ngoài ra, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn ký một Biên bản ghi nhớ về việc thực thi các Hiệp định, có hiệu lực từ 7/2015, có hiệu lực từ 1/2016.

Nội dung chính

Mặc dù có nhiều Hiệp định giữa ASEAN và Trung Quốc, trên thực tế, phần thương mại “tự do” được triển khai hiệu quả nhất là Hiệp định thương mại hàng hóa (TIG).

Hiệp định này (bao gồm cả Nghị định thư sửa đổi) có phần nội dung cơ bản nhất là cam kết loại bỏ thuế quan và quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Ngoài ra, Hiệp định còn bao gồm một số cam kết khác liên quan tới nguyên tắc đối xử với hàng hóa, một số biện pháp phi thuế quan, các ngoại lệ, công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, hải quan và tạo thuận lợi thương mại…

Cam kết về thuế quan

Về thuế quan, Trung Quốc cam kết lộ trình cắt giảm như sau:

  • Xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế từ năm 2011
  • Số dòng thuế còn lại phần lớn cam kết cắt giảm về 5% đến 50% từ năm 2018;
  • Một số mặt hàng còn duy trì thuế suất cao, không cam kết cắt giảm (ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc; cà phê, chè, gia vị; xăng dầu; phân bón các loại; nhựa nguyên liệu; vải may mặc; nguyên liệu dệt may, da giày; động cơ, máy móc thiết bị; ô tô, động cơ, bộ phận phụ tùng của ô tô; đồ nội thất...)

Việt Nam cũng có cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc như sau:

  • Xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế từ 1/1/2018
  • Khoảng 475 dòng thuế cam kết cắt giảm về từ 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2020 (sắt thép, cáp điện, sản phẩm điện gia dụng; các sản phẩm cao su, gốm sứ, giấy, xi măng, nhựa và các sản phẩm công nghiệp khác; các chế phẩm nông nghiệp đã qua chế biến; một số dòng xe tải và xe chuyên dụng …)
  • Khoảng 456 dòng thuế vẫn duy trì ở mức cao, không cam kết cắt giảm (trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ, phương tiện vận tải (ô tô, xe máy trừ xe tải 6-10 tấn), xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, một số mặt hàng liên quan đến an ninh quốc phòng…)

Cam kết về Quy tắc và Thủ tục xuất xứ

Hàng hóa được coi là có xuất xứ ACFTA nếu hàng hóa có xuất xứ thuần `hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực ACFTA, hoặc hàng hóa đáp ứng được một trong hai trường hợp sau:

  • Hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ chung: Hàm lượng giá trị khu vực (RVC) tối thiểu 40%
  • Hàng hóa có quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng: một số hàng hóa không áp dụng tiêu chí xuất xứ chung mà có quy tắc cụ thể áp dụng cho hàng hóa đó được quy định trong Danh muc Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.

Giấy chứng nhận xuất xứ ACFTA là C/O mẫu E. ASEAN và Trung Quốc hiện vẫn cấp 100% C/O mẫu E bản giấy. C/O lỗi có thể được sửa trực tiếp trên mặt C/O chứ không cấ plại C/O mới. C/O có thể cấp trước, trong hoặc sau (không quá  1 năm) thời điểm xuất khẩu của hàng hóa. ACFTA không có điều khoản về Tự chứng nhận xuất xứ.

Thực thi của Việt Nam

  • Thuế nhập khẩu ưu đãi theo ACFTA mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc hiện quy định tại Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ACFTA giai đoạn 2018 – 2022.
  • Các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo ACFTA và quy trình chứng nhận xuất xứ được quy định tại Thông tư số 36/2010/TT-BCT ngày 15/11/2010 của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa theo Hiệp định ACFTA, và Thông tư số 21/2014/TT-BCT ngày 25/6/2014 về việc sửa đổi, bổ sung Quy tắc cụ thể mặt hàng ban hành kèm theo Thông tư số 36/201/TT-BCT.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI