Tin tức

Tranh chấp thương mại sẽ gia tăng?

26/10/2012    12

Khủng hoảng kinh tế thế giới, bất ổn vĩ mô tác động xấu tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, hàng loạt tranh chấp thương mại (TCTM) đã và có thể xảy ra. Có thể nhận diện một số tranh chấp chủ yếu đã và sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Tranh chấp trong phạm vi quốc tế. Đây là tranh chấp giữa các quốc gia với nhau trong quan hệ thương mại, đầu tư. Đặc biệt, để ổn định kinh tế vĩ mô, trong thời gian qua, nước ta đã sử dụng khá nhiều công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó, không ít biện pháp đã vi phạm cam kết trong WTO và các cam kết quốc tế khác.

Tranh chấp giữa quốc gia với doanh nghiệp. Loại tranh chấp này đã phát sinh thể hiện qua các vụ kiện thương mại quốc tế, các vụ kiện về đầu tư giữa nhà đầu tư và quốc gia nhận đầu tư và các vụ kiện hành chính.

Tranh chấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Loại tranh chấp này xảy ra khá nhiều và đang có xu hướng gia tăng. Tranh chấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chủ yếu phát sinh trong quan hệ hợp đồng do không vay được vốn, không thực hiện được hợp đồng, không bàn giao công trình đúng hạn, không thanh toán được nợ.

Tranh chấp giữa ngân hàng và chủ doanh nghiệp về xử lý tài sản thế chấp cũng đã phát sinh. Bởi, khá nhiều khoản vay trước đây được thế chấp bằng giá trị quyền sử dụng đất khi giá đất trên thị trường rất cao.

Đến nay, thị trường bất động sản đóng băng, giá đất tuột dốc, nếu phát mại tài sản thế chấp thì không thu hồi đủ số tiền đã cho vay. Vì vậy, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp trả nợ để giải chấp nhưng doanh nghiệp thì đề nghị ngân hàng phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Loại tranh chấp này sẽ ngày càng nhiều nếu các doanh nghiệp tiếp tục gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay. Điển hình cho loại tranh chấp này là: Tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội; Tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp với cơ quan thuế về số thuế nợ, đọng...

Một số tranh chấp mang tính dân sự nhưng rất dễ chuyển thành hình sự. Thuộc loại này, hiện nay đã xuất hiện: Tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp với giới cho vay trên thị trường “tín dụng đen”. Đây là loại tranh chấp rất phức tạp, khó giải quyết và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp với người lao động; Tranh chấp giữa chủ đầu tư và các khách hàng của dự án đầu tư. Loại tranh chấp này xảy ra giữa các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản với các khách hàng đã “góp vốn” để được nhận căn hộ trong tương lai.

Đến nay, do không huy động được vốn, căn hộ “trong tương lai” còn rất xa mờ, khách hàng đã “góp vốn” phát đơn kiện chủ đầu tư vì không tôn trọng những cam kết trong hợp đồng. Tranh chấp trong nội bộ các cổ đông/thành viên góp vốn...

Do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ, mất vốn, các cổ đông/ thành viên góp vốn nghi ngờ, quy trách nhiệm Giám đốc và bộ máy điều hành. Tranh chấp phát sinh từ đó. Đây là tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp song có thể dẫn đến nguy cơ xóa sổ doanh nghiệp nếu không được hòa giải kịp thời.

Khủng hoảng kinh tế thế giới, bất ổn vĩ mô tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp và hàng loạt tranh chấp có thể hoặc đã xảy ra là tất yếu khách quan. Vấn đề quan trọng hơn là, làm gì và làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất có thể của những tác động xấu đó?

Giải pháp tổng thể và quan trọng nhất là nhà nước cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Là chủ thể trong hoạt động kinh doanh, không doanh nghiệp nào muốn xảy ra những tranh chấp.

Do đó, những tranh chấp phát sinh phần lớn là do nguyên nhân “bất khả kháng”. Khi hoạt động kinh doanh thuận lợi, cân đối tài chính được đảm bảo, các tranh chấp nêu trên sẽ nhanh chóng được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải.

Về phía các doanh nghiệp, khi phát sinh tranh chấp, cần hết sức bình tĩnh, không được sử dụng những biện pháp vượt quá giới hạn như sử dụng lực lượng “xã hội đen” để giải quyết quan hệ. Bởi lẽ, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng đối với cả hai bên. Hợp tác và tôn trọng lẫn nhau là biện pháp quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp. Trường hợp cần thiết, cần thực hiện các biện pháp đúng quy định của pháp luật như thương lượng, hòa giải, đưa ra trọng tài thương mại hoặc tòa án.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn