Tin tức

Doanh nghiệp hoang mang vì sẽ không được hưởng ân hạn thuế?

23/10/2012    20

Nhập khẩu nguyên liệu đã và đang là cứu cánh cho hàng trăm DN chế biến XK thủy sản trong nhiều năm qua. Từ kim ngạch XK chỉ vài trăm nghìn USD, không ít DN đã nâng lên đến con số hàng chục triệu USD, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động… Tuy nhiên, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lại đi theo hướng DN phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng ân hạn thuế đang khiến các DN hoang mang về sự tồn tại của họ trong thời gian tới.

Chiều ngày 15/10/2012, VASEP tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các DN về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó quy định DN chỉ được hưởng ân hạn nộp thuế khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Đại diện Bộ Công Thương, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN và PTNT) và các DN chế biến và XK thủy sản đã tham dự.

Từ năm 2000 đến nay, các DN thủy sản ở miền Trung gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu khai thác trong nước. Sáu tháng mùa mưa bão là quãng thời gian công nhân không có việc làm. Theo ông Nguyễn Xuân Nam – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (HAVUCO), NK nguyên liệu đã bù đắp cho sự thiếu hụt này. Từ doanh thu khoảng vài trăm nghìn USD, đến nay kim ngạch XK của công ty đã lên tới 65 triệu USD. Như vậy, NK nguyên liệu không những đã tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, mà còn hỗ trợ cho hoạt động khai thác, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Nhưng nếu theo dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), DN NK nguyên liệu để sản xuất XK phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng ân hạn nộp thuế 275 ngày thì DN sẽ “chết” vì không còn vốn để hoạt động! Ông Nam đã đưa ra 11 trở ngại nếu áp dụng quy định này.

Theo tính toán thực tế của HAVUCO, kể từ thời điểm bắt đầu mở tờ khai hải quan lô nguyên liệu NK tới lưu kho, sản xuất, chào hàng, bán hàng… đến lúc hoàn thuế phải mất từ 7-8 tháng, nhanh nhất là 5 tháng rưỡi. Với khoảng thời gian này, để quay vòng vốn cho nộp thuế với tỷ lệ từ 10-20%/tháng doanh số NK thì sau đúng 5 tháng rưỡi DN đã hết tới 88% vốn lưu động – 88% hạn mức ngân hàng cho vay.

Và nếu mức phí bảo lãnh bình quân khoảng 2%/năm trên tổng tiền bảo lãnh theo như Luật Quản lý thuế sửa đổi thì 9 tháng đầu năm công ty cũng phải nộp 2 tỷ đồng để được ân hạn thuế. Cùng với chi phí đầu vào tăng, sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, DN không đủ vốn thu mua nguyên liệu để dự trữ cho mùa mưa bão, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả do quay vòng vốn chậm, tăng áp lực về vốn, tăng áp lực bán hàng để thu hồi vốn trả nợ thuế nên mất linh hoạt trong đàm phán…

Hiện nay, kinh tế Châu Âu vẫn rơi vào khủng hoảng, phương thức thanh toán L/C không được các DN NK sử dụng do họ buộc phải ký quỹ ngân hàng nên các DN thủy sản Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi trong đàm phán. Khi hạn mức tín dụng bị cắt giảm, DN không dám đầu tư mở rộng sản xuất, chưa nói đến đầu tư theo chiều sâu.

Hơn nữa, thủ tục này sẽ thêm việc cho tổ chức tín dụng, cơ quan hải quan… trong trường hợp ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho DN với cơ quan quản lý thuế. Đối với những DN hoạt động kinh doanh hiệu quả, vấn đề sẽ không lớn nhưng khi gặp bất lợi hoặc phá sản trong thời gian bảo lãnh, nghiễm nhiên phải ưu tiên giải quyết nợ ngân sách nhà nước trước. Ngân hàng buộc phải chờ thu nợ sau khi DN trả tiền thế chấp. Hiện nay, với lợi thế về nguồn lao động tay nghề cao, giá rẻ, dòng vốn gia công đang “chảy” về Việt Nam, nhưng nếu dự thảo luật này được thông qua sẽ đánh mất cơ hội được đầu tư, tạo điều kiện cho DN Việt Nam “lách luật” bằng cách đầu tư ra nước ngoài hoặc chuyển vốn, chuyển giá…

Đại diện cho 4 DN XK cá ngừ đóng hộp có 100% đầu tư vốn nước ngoài tại Việt Nam, ông Nguyễn Phạm Thanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Highland Dragon (Highland Dragon) tỏ ra “bàng hoàng” khi nghe thông tin này và cho rằng, nếu thông qua dự thảo này, Chính phủ Việt Nam đã phủ nhận cam kết của mình với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho biết, là DN Mỹ đứng hàng đầu thế giới về XNK cá ngừ đóng hộp, cách đây 12 năm Highland Dragon đã nghiên cứu cẩn trọng, phân tích chi tiết lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với một số nước trong khu vực, và chính sách DN được hưởng ân hạn thuế 275 ngày cho lô hàng NK để chế biến XK đã lôi cuốn DN đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang chuẩn bị thay đổi cam kết của mình. Như vậy, sắp tới sẽ có nhiều dự án lớn đầu tư tại Việt Nam buộc phải dừng lại hoặc chuyển hướng.

Cho đến nay, hàng năm 4 DN này phải cần đến 25.000 tấn cá ngừ nguyên liệu NK để đảm bảo hoạt động 80% công suất nhà máy và việc làm cho 2.500 lao động. Như vậy, dự thảo luật này đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động chế biến, XNK của công ty.

Còn theo bà Cao Thị Kim Lan – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), trước năm 2006, DN gặp rất nhiều khó khăn khi nguyên liệu thiếu triền miên. Trong các tháng mùa mưa bão, công nhân phải nghỉ làm do nhà máy không có việc hoặc chỉ hoạt động gia công cầm chừng. Đầu năm 2007, DN bắt đầu thử NK vài containơ nguyên liệu và nhận thấy đây là cách để DN tự “cứu” mình.

Từ chỗ cố gắng hết sức mới đạt được 4-5 triệu USD năm 2005-2006, nhờ đẩy mạnh NK nguyên liệu, mở rộng sản xuất nên doanh số của BIDIFISCO sau đó nhảy vọt lên 17 triệu USD, đạt 20 triệu USD năm 2008 – 2009 và 24 triệu USD năm 2010 – 2011. Chín tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của DN đã đạt 24 triệu USD, dự kiến kết thúc năm đạt 28 triệu USD.

Từ lúc chỉ có một nhà máy với 200 công nhân, BIDIFISCO hiện có 2 nhà máy với hơn 700 lao động tại miền Trung, hàng năm XK 5.000 – 6.000 tấn thành phẩm, trong đó 70% là cá ngừ đại dương dạng tươi. Tuy nhiên hiện nay, mặc dù DN cố gắng tìm kiếm nguyên liệu tại nhiều vùng biển nhưng cũng chỉ đủ cho 20-30% công suất của nhà máy, còn lại phải NK.

Bà Lan cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới đang “chặn” lối ra của sản phẩm thủy sản XK, khách hàng liên tục đòi giảm giá…nếu quy định phải có bão lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng ân hạn thuế 275 ngày sẽ làm cho giá thành phẩm tăng cao và DN thủy sản Việt Nam không thể cạnh tranh và bán được hàng.

Đại diện DN XK tôm lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Tấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy thủy sản Minh Phú (MINH PHU SEAFOOD CORP) cho rằng, quy định này là gánh nặng đè lên vai DN thủy sản. Hiện nay có đến 50% số DN XK tôm ở ĐBSCL ngừng hoạt động, 30% “chết lâm sàng”, 20% hoạt động cầm cự không hiệu quả… Vài năm trở lại đây, dịch bệnh tôm trên diện rộng đã khiến người nuôi bị thiệt hại hàng tỷ đồng, DN không đủ nguyên liệu chế biến và phải “tự bơi” để giải quyết bài toán nguyên liệu.

Ông Anh đặt câu hỏi: một lô tôm nguyên liệu NK có giá trung bình khoảng 200.000 USD, nếu áp dụng quy định này thì một DN trung bình sẽ chỉ có thể nhập được mấy lô hàng thì hết hạn mức cho vay? Khi hạn mức cho vay lại bị co hẹp lại, DN lấy vốn đâu để kinh doanh? Trong khi đó, hiện nay, nhờ nguồn nguyên liệu tôm dồi dào và chính sách ưu đãi của Nhà nước, giá tôm của Thái Lan, Ấn Độ…đang có lợi thế hơn hẳn so với của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thế Yến – Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang (DRAGONWAVES) lại bày tỏ sự lo lắng vì không biết DN sẽ còn tồn tại được bao lâu trong khi có hàng nghìn công nhân đã gắn bó với nhà máy. DN sẽ phải làm gì để hàng nghìn lao động đó không bị thất nghiệp? Những chính sách của Nhà nước cần tính tới sự tồn tại của DN, nhất là trong bối cảnh hàng loạt DN đang chuẩn bị đóng cửa do không thể chèo chống được với quá nhiều khó khăn!

Đa số ý kiến của các DN thủy sản đều cho rằng, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được xây dựng xa rời với thực tế khi không tính đến sự sống còn của DN mà chỉ nghĩ đến sự thuận tiện cho cơ quan thu thuế. Nếu thông qua dự thảo này, nghĩa là “nút thắt NK” lại được siết chặt hơn, liệu số nhà máy đóng cửa và lượng công nhân thất nghiệp sẽ là bao nhiêu?

 

Nguồn: http://www.vasep.com.vn