Tin tức

Đàm phán TPP đã có những tiến triển mới

01/10/2012    16

Đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có những bước tiến triển mới và nhanh chóng khi các bên đạt được sự nhất trí trong nhiều lĩnh vực và vấn đề, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Các lĩnh vực đạt được  sự nhất trí cao có thể kể đến dệt may, dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ. Tuy vậy, bà Lan cho biết rằng, vẫn còn nhiều vấn đề các bên chưa thể đi đến sự nhất trí và một trong số đó là vấn đề về các doanh nghiệp nhà nước.

Trong lĩnh vực này, theo bà Lan, Mỹ rất quan tâm đến một cơ chế kỷ cương giám sát các doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại vấp phải một số phản đối từ Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Với Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước vẫn là một lực lượng đặc thù, dù được định hướng hoạt động theo thị trường, nhưng vẫn giữ vai trò nhất định trong lực lượng kinh tế. Còn hai quốc gia Singapore và Malaysia thì cho rằng các doanh nghiệp nhà nước của họ hiện đã hoạt động theo cơ chế thị trường, nên một cơ chế cứng nhắc như thế là điều không cần thiết.

Chính vì thế, ba quốc gia này cho rằng việc đưa ra một cơ chế giám sát kỷ cương như thế là một điều cần hết sức cẩn thận, bởi rất có thể điều đó lại rơi vào một cách thức chống cạnh tranh, phân biệt đối xử loại hình doanh nghiệp.

Hiện tại, cơ quan đàm phán của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, thông qua VCCI với 22 hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước.

Bà Lan cho biết rằng, khi tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có một thị trường rộng lớn, với các mức thuế quan ưu đãi, mà còn có cơ hội để đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi lẽ các tiêu chuẩn trong TPP là rất cao, nhất là về môi trường và công nghệ.

Như vậy, khi đó môi trường kinh doanh trong nước sẽ trở nên tốt hơn vì TPP đòi hỏi sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, cải cách thể chế.

Bà Lan cho biết hiện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị sửa đổi luật đấu thầu theo tiêu chuẩn mua sắm chính phủ, vì thời gian qua luật này không phát huy hiệu quả khi mà có đến 75% các dự án là thuộc chỉ định thầu.

Kết thúc vòng đàm phán thứ 14 chưa lâu, thì các bên đã xúc tiến vòng đàm phán tiếp theo tại New Zealand vào đầu tháng 12, tức chưa đầy 3 tháng kể từ vòng đàm phán trước đó. Điều này, theo bà Lan, cho thấy một quyết tâm của chính phủ các nước trong việc sớm đạt được một hiệp định để mở ra một thị trường mới rộng lớn.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Thương mại quốc tế kiêm Bộ trưởng phụ trách cửa ngõ Châu Á-Thái Bình Dương của Canada, ông Ed Fast đã tuyên bố rằng Canada sẽ chính thức tham gia vào TPP, khi đàm phán kết thúc.

Như vậy, Canada cùng với Mexico là hai nước sẽ cam kết tham gia vào hiệp định này, nâng tổng số các quốc gia tham gia vào TPP hiện tại lên tới 11.

Bên cạnh TPP, Việt Nam đã được EU chọn làm đối tác thứ ba trong các nước ASEAN, cùng với Singapore và Malaysia, để đàm phán về hiệp định mậu dịch tự do (FTA), sau khi việc đàm phán chung với khối ASEAN trong hai năm qua không đạt được tiến triển.

Khi đó, 90% các loại hàng hóa của Việt Nam vào EU sẽ có mức thuế rất thấp, vì nền kinh tế của Việt Nam và EU, theo bà Lan, không phải cạnh tranh nhau mà là bổ sung cho nhau, nhất là về mặt hàng nông sản.

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn