Tin tức

Tìm giải pháp phá rào cản Ethoxyquin cho tôm xuất khẩu sang Nhật

17/09/2012    22

Nhằm tìm hướng tháo gỡ vấn đề thắt chặt kiểm soát dư lượng Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm đối với 100% lô tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật… Ngày 12/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan.

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm 2012, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã kiểm tra và phát hiện 3 lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng Ethoxyquin cao hơn 0,01ppm… Ngày 31/8/2012 vừa qua, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã thông báo sẽ tiến hành kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin.

Ngay sau khi có thông tin này, các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam đã giảm lượng hàng sang thị trường Nhật Bản. Trong lúc giá tôm thế giới đang có xu hướng tăng thì sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua lại giảm rất mạnh do khó khăn từ thị trường Nhật Bản. Từ tháng 8 đến nay, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều DN của Nhật Bản nhập khẩu tôm của Việt Nam dù không phát hiện dư lượng Ethoxyquin nhưng vẫn không nhập hàng. “Nhật Bản là thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm tôm của Việt Nam (chiếm tới 30%). Vì vậy, cần những biện pháp giải cứu cấp bách đối với thị trường tiềm năng này”- Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP phát biểu.

Theo VASEP, thử nghiệm ở một số vùng nuôi tôm cho thấy, khi sử dụng thức ăn có mức Ethoxyquin dưới ngưỡng 0,5ppm, tôm xuất khẩu sẽ không vượt quá mức 0,01ppm mà Nhật quy định. Do đó, nếu đưa ra quy định mới về việc sử dụng thức ăn có mức Ethoxyquin dưới ngưỡng 0,5ppm thì các DN chế biến tôm sẽ yên tâm hơn để tiếp tục xuất khẩu.

Ông Hòe kiến nghị: Tổng cục Thủy sản trình Bộ NN&PTNT quy định ngay biện pháp cấp bách về hàm lượng chất Ethoxyquin tối đa cho phép trong thức ăn nuôi tôm ở mức 0,5 ppm thay cho mức 150 ppm như hiện nay. Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục xúc tiến các biện pháp ngoại giao và tìm chất thay thế Ethoxyquin.

Tuy nhiên, theo Bà Trần Bích Nga- Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQUA): Việc áp dụng hàm lượng tối đa ở mức 0,5 ppm như đề xuất của VASEP vẫn còn rất nhiều hạn chế do chưa được nghiên cứu thẩm định kỹ mà mới chỉ tham khảo qua một số mô hình do các DN tự thử nghiệm. Vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu kiểm tra lại.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho rằng: Thử nghiệm mà VASEP đưa ra hiện vẫn chưa được chứng minh khoa học, do đó chưa thể quy định ngay. Tuy nhiên, ông Tám cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy sản ngay lập tức phải có công văn đến các sở và chi cục địa phương phổ biến cho người nuôi kinh nghiệm nói trên.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cái khó hiện nay ở chỗ, với quy định dư lượng 0,01 ppm mà Nhật Bản áp dụng khó có thể kiểm soát được dư lượng Ethoxyquin trong các sản phẩm thức ăn nguyên liệu và thức ăn thành phẩm trong nước, bởi hầu hết các lô nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam đều có hàm lượng Ethoxyquin rất cao, từ 200 đến 600 ppm. Trong khi đó, đa số các nước đều cho phép hàm lượng chất này ở mức trên 150 ppm.

Theo lãnh đạo VASEP, trước tình xuất khẩu tôm sang Nhật đang bị bế tắc do hàng rào Ethoxyquin, Việt Nam cần phải tiếp tục cử đoàn công tác cấp cao cùng các DN sang làm việc với phía Nhật Bản nhằm đàm phán để nâng mức dư lượng kiểm soát 0,01 ppm như hiện tại.

Trong lúc chưa đưa ra được quy định cụ thể về hàm lượng cho phép trong thức ăn chăn nuôi, bà Nga cho rằng: Giải pháp trước mắt là cần phải kiểm soát và minh bạch thông tin đối với các loại nguyên liệu trong nước. Bắt buộc ghi nhãn đối với toàn bộ sản phẩm lưu hành tại Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, cùng với Việt Nam, tôm của Ân Độ cũng vừa bị Nhật Bản áp dụng kiểm soát 100%. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nhật đã phát hiện tới 131 lô tôm của Ấn Độ có dư lượng Ethoxyquin bị vượt ngưỡng cho phép (so với 3 lô của Việt Nam). Vì vậy, NAFIQUA và Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng các cơ quan ngoại giao liên hệ với phía Ấn Độ nhằm xem xét các giải pháp tháo gỡ mà Ấn Độ sẽ tiến hành đối với Nhật Bản.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn