Xuất khẩu 8 tháng: Những mảng màu sáng
05/09/2012 14Trong nhiều gian khó, bức tranh xuất khẩu 8 tháng đầu vẫn có nhiều mảng màu sáng khả quan.
Xuất khẩu 8 tháng của khối FDI đạt 34 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giữ vững vị thế quan trọng trong hoạt động xuất khẩu. Một số sản phẩm xuất khẩu của khối FDI tăng ấn tượng như: điện thoại và linh kiện 134,4%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 239,9%...
Có 16 mặt hàng trong Top kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Có 3 mặt hàng bị loại ra khỏi Top: Than đá (phù hợp với chủ trương giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô), đá quý và kim loại quý (chỉ bằng 11% so với cùng kỳ, nhưng không đáng ngại vì chủ yếu là tạm nhập - tái xuất vàng) và thép các loại (chỉ giảm 131 triệu USD). Có 2 mặt hàng mới lọt vào Top: Sản phẩm chất dẻo (1,029 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 869 triệu USD); túi sách, vali, mũ, ô dù (8 tháng năm ngoái chỉ đạt 842 triệu USD, 8 tháng năm nay vào Top, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD).
Tuy xuất khẩu phân bón các loại còn khiêm tốn, nhưng đã có tín hiệu mới. Do nằm gần vùng tiêu thụ phân bón lớn như: Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar... nên sản phẩm phân bón của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng chủng loại của các nước khu vực lân cận. Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí đã ký thỏa thuận với các khách hàng lớn để xuất khẩu và mở văn phòng đại diện tại các nước... 8 tháng, xuất khẩu phân bón tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản đã có dấu hiệu khả quan. Tiếp nối đà tăng cuối quý II, việc xuất khẩu cá tra trong tháng 7 và 8 đã tăng trưởng mạnh tại hầu hết các thị trường lớn như: Mỹ, ASEAN, Trung Quốc. Quý III là thời gian các nhà nhập khẩu tăng cường mua cá tra để phục vụ cho các dịp lễ, tết nên xuất khẩu cá tra quý III sẽ đạt cao. Ngoài ra, cá ngừ, cua, ghẹ... cũng khởi sắc. Xuất khẩu cá ngừ 7 tháng đạt 343,3 triệu USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam.
Gạo đạt yêu cầu về lượng, nhưng do giá xuất khẩu thế giới thời gian qua giảm nên kim ngạch chỉ bằng 90% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do tình trạng khô hạn xảy ra gần như khắp thế giới, nhiều quốc gia sẽ hạn chế xuất khẩu gạo, khả năng giá lương thực sẽ tăng mạnh từ nay cho đến đầu năm sau. Do đó, việc thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ gạo, cơ cấu lại các đầu mối xuất khẩu, tình hình xuất khẩu gạo thời gian tới sẽ được cải thiện.
8 tháng qua, dù nhập khẩu tăng 6,7%, nhưng nhịp độ chậm hơn xuất khẩu (17,8%), nên nhập siêu 8 tháng chỉ 62 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu chỉ 0,08%, trong khi hai chỉ số đó của 8 tháng năm 2011 là 6,535 tỷ USD và 10,5%.
Khối DN trong nước đã ngừng đà suy giảm: 6 tháng đầu năm xuất khẩu chỉ bằng 91,2% so với 6 tháng đầu năm trước, nhưng 8 tháng đã đạt xấp xỉ cùng kỳ. |
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc