Tin tức

Ai sẽ nhượng bộ trong nguyên tắc xuất xứ hàng may mặc vào Mỹ?

10/07/2012    13

Hiện Mỹ và một số nước trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ủng hộ nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi do Mỹ đưa ra, trong khi đó một số nước, trong đó có Việt Nam, không đồng ý.

Trước khi vòng đàm phán thứ 13 của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bắt đầu từ ngày 2 đến 10-7, có phỏng đoán cho rằng có khả năng vấn đề về xuất xứ đối với hàng dệt may vào Mỹ đã đến thời điểm một trong hai bên liên quan phải nhượng bộ để đàm phán TPP được tiếp tục.

Hiện vòng đàm phán thứ 13 của TPP đang diễn ra tại TP. San Diego (bang California, Mỹ). Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), dệt may sẽ được thảo luận trong ngày 6-7.

Theo World Trade Online – trang web của Inside U.S. Trade, chuyên cung cấp thông tin độc quyền về quá trình làm chính sách của Mỹ, trước khi vòng đàm phán này bắt đầu, hai quan chức cấp cao về thương mại của Mỹ trong cuối tháng 6-2012 đã đến Việt Nam và Malaysia nhằm thúc đẩy các đàm phán TPP trong lĩnh vực dệt may.

Cụ thể, bà Gail Strickler, trợ lý Đại diện thương mại Mỹ về dệt đã có các cuộc thảo luận với những người đồng cấp ở Việt Nam và Malaysia, về tiếp cận thị trường, nguyên tắc xuất xứ và các vấn đề trong nội dung đàm phán về dệt may, nhằm thúc đẩy các đàm phán trong TPP.

Đi cùng với vị quan chức này là ông Doug Bell, trợ lý Đại diện thương mại Mỹ về chính sách thương mại và kinh tế. Ông Bell là người điều phối các đàm phán trong TPP về nông sản, hàng hoá công nghiệp, và dệt may.

Theo số liệu từ trang web cảnh báo sớm của Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam, trong tám nước đang tham gia TPP với Mỹ, thì Việt Nam, Peru và Malaysia là ba nước xuất khẩu may mặc nhiều nhất vào Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ trong năm 2011 lần lượt là 3,78 tỉ đô la Mỹ, 680,6 triệu đô la Mỹ, và 318 triệu đô la Mỹ.

Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai vào Mỹ, sau Trung Quốc.

Inside U.S. Trade dẫn nguồn một người trong lĩnh vực tư nhân phỏng đoán rằng, đàm phán trong TPP đã đi đến điểm một trong hai bên (Việt Nam và Mỹ) phải nhượng bộ để thúc đẩy đàm phán TPP. Tuy nhiên trang này không cho biết cụ thể hơn.

Trang này vào cuối tháng 5-2012 cũng dẫn các nguồn tin trong lĩnh vực tư nhân nói, các quan chức của Việt Nam đã cho các đại diện về dệt của Mỹ biết rằng, Việt Nam có thể cân nhắc nguyên tắc yarn-forward (tính từ sợi) mà phía Mỹ đưa ra.

Tuy nhiên, Việt Nam chỉ xem xét với điều kiện nguyên tắc này phải được áp dụng sau năm năm. Tức là, trong thời gian năm năm đầu TPP có hiệu lực, Việt nam vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu quần áo được may bằng vải nhập khẩu từ các nước ngoài TPP.

Vào thời điểm đó, Mỹ cũng có động thái linh hoạt khi bàn đến việc nước này có thể sẽ lập một danh sách ngắn và tạm thời các loại vải mà các nước trong TPP có thể nhập khẩu từ bên ngoài để sản xuất quần áo mà vẫn được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Mỹ.

Đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết chưa nghe các thông tin trên. Hiện các quan chức phụ trách TPP thuộc Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đang tham dự vòng đàm phán thứ 13 của TPP tại TP. San Diego.

Ngoài Việt Nam, một số nước tham gia TPP, như Úc, cũng phản đối nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi. Trong khi đó, một số thông tin cho biết, Peru và Malaysia ủng hộ nguyên tắc này, vì cả hai nước đều có nền sản xuất sợi và vải nội địa. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn vải, chủ yếu từ Trung Quốc, để sản xuất hàng may mặc.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn