Đây là cách công nghệ cao vào cuộc, đưa Thái Lan thành ông hoàng sầu riêng Nắm 60% thị phần tại Trung Quốc, dự báo bội thu đơn hàng năm 2025
04/07/2025 1Trước nhu cầu bùng nổ từ Trung Quốc và nhiều thị trường quốc tế, nông dân trồng sầu riêng Thái Lan đang tích cực ứng dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Sầu riêng – một loại trái cây nhiệt đới nổi tiếng với mùi hương nồng nàn, hương vị béo ngậy đang trở thành mặt hàng nhập khẩu được ưa chuộng nhất tại thị trường Trung Quốc. Với vị thế là quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Thái Lan đang đón nhận làn sóng nhu cầu tăng vọt.
Theo số liệu từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2024, nước này đã nhập khẩu khoảng 1,56 triệu tấn sầu riêng với tổng giá trị gần 7 tỷ USD – mức cao kỷ lục. Trong đó, gần 60% lượng sầu riêng nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan.
Trước xu hướng tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc đã bắt tay hỗ trợ nông dân Thái Lan hiện đại hóa sản xuất, thông qua các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng đáp ứng thị trường.
Cuối năm 2023, Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Số Thái Lan đã khởi động “Sáng kiến Sầu riêng Số” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chương trình tập trung vào việc cung cấp cho nông dân các công cụ kỹ thuật số để ghi chép, theo dõi và phân tích dữ liệu canh tác, giúp đưa ra quyết định hiệu quả hơn trong điều kiện sản xuất vốn đang chịu nhiều tác động từ thời tiết và dịch bệnh.
Ông Zhou Zhaoxi – nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc cho biết dù Trung Quốc đã bắt đầu trồng sầu riêng ở tỉnh Hải Nam, sản lượng nội địa vẫn rất hạn chế và chưa thể đáp ứng nhu cầu trong nước. Vì vậy, ông nhấn mạnh rằng sầu riêng Thái Lan vẫn sẽ giữ vững lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc nhờ chất lượng ổn định và thị hiếu tiêu dùng đã định hình.
Tại tỉnh Chanthaburi – thủ phủ sầu riêng của Thái Lan, ông Chord Chanbuppha, một nông dân 56 tuổi có thâm niên trồng sầu riêng lâu năm, cho biết ngày càng nhiều người dân trong vùng chuyển từ trồng nhãn, măng cụt sang sầu riêng vì lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thời gian đầu tư dài (từ 7 đến 8 năm để cây trưởng thành) cùng với rủi ro thiên tai và dịch bệnh khiến đầu tư vào sầu riêng vẫn là canh bạc với nhiều nông hộ. Trước thực trạng đó, nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc đã vào cuộc. Tiêu biểu là Beyondsoft Corp – doanh nghiệp chuyên về giải pháp công nghệ thông tin – đã triển khai dự án thí điểm tại một vườn sầu riêng 8 ha ở Chanthaburi. Tại đây, các hệ thống tích hợp tưới tiêu và bón phân tự động đã giúp giảm lượng nước tiêu thụ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và kiểm soát sâu bệnh chính xác hơn.
Ngoài ra, hệ thống cảm biến đất được lắp đặt để theo dõi độ ẩm, giá trị pH và thành phần khoáng trong đất. Dữ liệu được kết nối với nền tảng giám sát thời gian thực, giúp người nông dân dễ dàng dự báo thời tiết, phát hiện sâu bệnh và điều chỉnh phương pháp canh tác phù hợp.
Ông Chang Canxin – Giám đốc điều hành Beyondsoft khu vực Đông Nam Á – cho biết công nghệ này cho phép giảm mạnh chi phí nhân công và tăng hiệu quả vận hành, đồng thời đội ngũ kỹ thuật của công ty sẵn sàng hỗ trợ từ xa hoặc trực tiếp tại hiện trường.
Tính đến nay, Beyondsoft đã hỗ trợ nâng cấp ba trang trại trái cây nhiệt đới tại Thái Lan và đang mở rộng hoạt động tại Malaysia, Việt Nam và Campuchia. Hệ sinh thái công nghệ do công ty phát triển bao gồm Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, truy xuất nguồn gốc và nền tảng quản lý thông minh, hướng đến mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho quá trình sản xuất, giám sát, vận hành và tiêu thụ.
Không dừng lại ở khâu canh tác, các doanh nghiệp Thái Lan còn chú trọng cải tiến công nghệ trong kiểm định chất lượng sau thu hoạch. Từ năm 2023, tập đoàn CP Group của Thái Lan đã hợp tác với Huawei Cloud để phát triển giải pháp kiểm định sầu riêng bằng cảm biến hồng ngoại kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Thay vì dựa vào kỹ năng thủ công (gõ vào quả để nghe âm thanh đánh giá độ chín), hệ thống mới sử dụng cảm biến phát tia hồng ngoại gần để “quét” lớp vỏ trái. Dữ liệu sau đó được tải lên nền tảng đám mây, nơi AI phân tích và xác định độ chín, đảm bảo kiểm định chính xác mà không làm hỏng phần thịt bên trong.
Ông Ronnarit Rittiron – Trưởng phòng thí nghiệm của Đại học Kasetsart – nhận định phương pháp truyền thống dễ dẫn đến sai sót, nhất là với các thanh tra viên mới. Trong khi đó, hệ thống AI hiện tại đã đạt độ chính xác khoảng 80% và sẽ tiếp tục cải thiện khi có thêm dữ liệu thực địa.
Giám đốc công nghệ CP Group, ông Jiang Yuejun, nhấn mạnh rằng AI, IoT, robot, thiết bị bay không người lái và vệ tinh sẽ đóng vai trò trung tâm trong nông nghiệp thông minh, mở ra cơ hội chuyển đổi số toàn diện cho ngành nông nghiệp Thái Lan.
Không chỉ phổ biến tại Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan đang ngày càng được đón nhận tại các thị trường cao cấp như Mỹ, Anh và Úc. Theo ông Thanachot Nontakatrakool – nhà nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Bangkok – trái sầu riêng đã bước ra khỏi giới hạn văn hóa ẩm thực Đông Nam Á để xuất hiện trong các món tráng miệng, siêu thị cao cấp và sản phẩm phiên bản giới hạn tại chuỗi thực phẩm toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu Thái Lan không chỉ tập trung vào năng suất mà còn ưu tiên cải tiến toàn chuỗi sản xuất – từ giống, canh tác, kiểm định đến hậu cần và tiêu thụ – nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và duy trì vị thế xuất khẩu hàng đầu.
Theo Phòng Thương mại Chanthaburi, năm 2025, tỉnh này dự kiến xuất khẩu 1,1 triệu tấn sầu riêng, tăng mạnh so với 800.000 tấn của năm nay, trong đó 90% sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nguồn: An ninh Tiền tệ
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Mỹ sẽ thông báo mức thuế quan mới từ ngày 4/7
- Đàm phán Thuế đối ứng Việt - Mỹ: Chờ đợi kết quả chính thức
- Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới
- Hiểu thế nào về mức thuế đối ứng 20% Mỹ áp cho Việt Nam?