Tin tức

Thuế quan đối ứng của Mỹ: "Canh bạc" khó lường

23/04/2025    10

Giới phân tích lo ngại chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ có thể đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu và đặt dấu hỏi lớn về tương lai toàn cầu hóa.

Đúng như tuyên bố trước đó, ngày 2/4/2025 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Nhà Trắng, biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo nguồn thu bền vững nhằm phục vụ cho kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, bước đi mang tính bảo hộ này của Hoa Kỳ có thể làm đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu, đặt ra câu hỏi khó về tương lai của toàn cầu hóa và người chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan tiềm tàng này.

Chiến lược áp thuế tham vọng và thông điệp cứng rắn

Kể từ khi chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần khẳng định thuế quan sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" mà ông theo đuổi.

Trong những tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ đã liên tiếp triển khai loạt biện pháp thuế quan cứng rắn nhằm hiện thực hóa cam kết này. Chiều ngày 2/4/2025 (theo giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các mức thuế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/4.

Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn thông báo triển khai thêm các mức thuế đối ứng riêng biệt đối với những quốc gia mà Washington cho là đang tạo ra sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Theo đó, mức thuế này sẽ bằng một nửa mức thuế mà các nước đó đang áp lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 9/4/2025.

Căn cứ theo biểu đồ được Tổng thống Trump công bố, Hoa Kỳ sẽ áp thuế 34% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% với Liên minh châu Âu (EU), 25% với Hàn Quốc, 24% với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan sẽ phải chịu mức thuế 36%, tiếp đến là Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17% và Singapore 10%. Một số đối tác khác như Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong nhóm bị áp thuế 10%. Đáng chú ý, hai đối tác thương mại lớn ở khu vực Bắc Mỹ là Canada và Mexico không có tên trong danh sách bị áp thuế đối ứng lần này.

Tuy nhiên, trưa ngày 9/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố giảm thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các đối tác thương mại, xuống còn 10% trong vòng 90 ngày. Động thái này được xem là một bước ngoặt đảo chiều đầy bất ngờ, chỉ nửa ngày sau khi mức thuế đối ứng do ông khởi xướng chính thức có hiệu lực.

Theo ông Trump, quyết định tạm thời hạ thuế được đưa ra sau khi hơn 75 quốc gia chủ động liên hệ với chính quyền Mỹ để đàm phán các thỏa thuận thương mại mới. Dù vậy, ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức 104% lên 125%, bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 9/4 (theo giờ Mỹ).

Phản ứng của các quốc gia

Theo hãng tin Reuters, trước làn sóng áp thuế mạnh mẽ từ Tổng thống Donald Trump, EU đang xem xét một loạt các phương án trả đũa mang tính chiến lược, với mục tiêu bảo vệ lợi ích kinh tế mà không làm căng thẳng thương mại leo thang vượt tầm kiểm soát.

Ngày 3/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU đang hoàn thiện gói đáp trả thương mại đầu tiên trị giá 26 tỷ euro (28,4 tỷ USD), và có thể được kích hoạt từ giữa tháng 4 nếu các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ không đạt được tiến triển. Gói đáp trả này là một phần trong chiến lược của EU nhằm đối phó với những biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ, đồng thời bảo vệ các ngành công nghiệp và lợi ích kinh tế của châu Âu trước tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Trump.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc, ông Choi Sang Mok, khẳng định Chính phủ nước này sẽ đối phó với cuộc khủng hoảng thương mại hiện tại bằng một chiến lược đàm phán toàn diện với Hoa Kỳ. Chiến lược này sẽ dựa trên việc phân tích kỹ lưỡng các chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu tối đa tác động lên nền kinh tế Hàn Quốc.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Nhật Bản (METI) cho biết, nước này sẽ tiếp tục đàm phán để tìm cách miễn trừ thuế, đồng thời thành lập một "trụ sở thuế quan Mỹ" trong Bộ để đánh giá tác động của các biện pháp thuế mới và triển khai các biện pháp đối phó trong nước.

Ngày 4/4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, theo thông tin từ hãng thông tấn Xinhua. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4. Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Washington sau khi Mỹ áp thuế đối ứng 34% lên hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, động thái này vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và gây tổn hại nghiêm trọng đến các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại. Đến ngày 9/4, Trung Quốc tiếp tục có động thái cứng rắn khi tuyên bố nâng mức thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ từ 34% lên 84%, nhằm phản ứng tương xứng với các chính sách mới của Washington.

Một số quốc gia, như Italy, đã đề xuất rằng EU nên chủ động thương lượng để giảm mức thuế từ 20% xuống còn 10%, tương tự như mức thuế mà Mỹ áp dụng với Anh. Nước Anh cũng đang tích cực đàm phán với Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho cả hai bên.

Các quốc gia như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore đã chọn con đường đối thoại, hy vọng có thể thương lượng để đạt được mức thuế hợp lý hơn, thay vì vội vàng thực hiện biện pháp trả đũa, theo thông tin từ Reuters.

Thái Lan cho biết sẽ tiến hành thương lượng nhưng trước mắt yêu cầu Washington xem xét lại mức thuế 37% áp lên hàng hóa của nước này. Trong khi đó, Ấn Độ đang đánh giá tác động của mức thuế 27% và cam kết tiếp tục thúc đẩy đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Thủ tướng Campuchia, ông Hun Manet, vào ngày 4/4 đã gửi thư trực tiếp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, bày tỏ mong muốn đàm phán và sẵn sàng giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ để “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại, theo thông tin từ Khmer Times.

Phản ứng của thị trường và tác động kinh tế tiềm ẩn

Theo giới phân tích, khi tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm của mình về việc không ngần ngại phát động “thương chiến” với các đồng minh và đối tác thương mại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy “cuộc chiến” thuế quan này không chỉ tác động đến các đối tác của Mỹ mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ và thương mại toàn cầu. Bằng chứng rõ nhất là việc ngay sau quyết định áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các nước, thị trường thế giới đã có những phản ứng tức thì. Giá dầu thế giới đảo chiều giảm mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” với chỉ số Dow Jones giảm 2,2%, S&P 500 giảm 3,2% và Nasdaq-100 giảm 4.1%. Trong khi đó, giá vàng giao sau tại New York tăng vọt lên mức kỷ lục trên 3.200 USD/ounce. Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 4% và 1,29%.

Giới chuyên gia cảnh báo, các mức thuế mới có thể làm gia tăng lạm phát và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào nguy cơ suy thoái. Việc áp thuế sẽ đảo ngược tiến trình tự do hóa thương mại đã định hình trật tự kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Nguy cơ này càng nghiêm trọng nếu các đối tác thương mại của Mỹ đưa ra các biện pháp trả đũa cực đoan. Khi các “hàng rào” thuế quan được dựng lên theo cách này, sản lượng công nghiệp toàn cầu có thể sụt giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi.

Đối với chính nước Mỹ, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng các “đòn” thuế quan mới có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào một quá trình chuyển đổi đầy khó khăn khi các mặt hàng thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn. Chính sách thuế này cũng có thể làm xói mòn các mối liên minh kinh tế mà Mỹ đã dày công xây dựng nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên toàn cầu.

Thuế quan bắt đầu phát huy uy lực?

Ngay sau tuyên bố hoãn áp thuế ngày 9/4 của Tổng thống Donald Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh, với các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite đều khởi sắc. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo đà tăng có thể chỉ là phản ứng kỹ thuật tạm thời, chưa phản ánh xu hướng phục hồi bền vững nếu đàm phán thương mại không đạt tiến triển thực chất.

Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là liệu Tổng thống Donald Trump có xem thuế quan như một công cụ đàm phán và sẵn sàng dỡ bỏ chúng để đổi lấy sự nhượng bộ từ các quốc gia khác hay không?

Chính quyền Tổng thống Trump đã phát đi những tín hiệu trái chiều về vấn đề này. Dù vậy, có vẻ như không có khả năng Tổng thống Mỹ sẽ xóa bỏ mức thuế quan “cơ bản” 10% mà ông đã áp dụng toàn cầu. Và nếu chính quyền thực sự muốn xóa bỏ thâm hụt thương mại với các quốc gia, điều này có thể gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong sắc lệnh hành pháp đã ký, Tổng thống Mỹ cho biết, nếu các quốc gia xóa bỏ các hoạt động thương mại không công bằng hoặc thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia đó giảm xuống, thì mức thuế quan “có đi có lại” có thể được xem xét lại.

Việc các quốc gia xây dựng hàng rào thuế quan lẫn nhau sẽ làm gia tăng những bất ổn và làm xấu đi triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc thích ứng linh hoạt với tình hình thay đổi và tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ lợi ích chung của các nền kinh tế thông qua việc duy trì hệ thống thương mại đa phương được coi là giải pháp tối ưu để đối phó với những thách thức hiện tại.

Nguồn: VTV