Tin tức

Định hình lại chính sách xuất nhập khẩu bằng thương mại chiến lược

11/04/2025    26

Việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững, có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài

Mới đây (ngày 1/4), Bộ Công Thương công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược và đang triển khai lấy ý kiến rộng rãi. Giới chuyên gia đánh giá đây là việc làm hết sức cần thiết và kịp thời.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội Trần Đức Nghĩa cho rằng, Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ là một "lời cam kết" mạnh mẽ của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU rằng Việt Nam sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm soát công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn nguy cơ rò rỉ công nghệ nguồn sang các nước thứ ba khi chưa được sự cho phép. Đây là yếu tố tiên quyết để Việt Nam không chỉ duy trì đà xuất khẩu, mà còn nâng cao niềm tin của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, tạo đòn bẩy để thu hút nhiều dự án FDI chất lượng cao.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhìn nhận, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược nêu ra rất nhiều vấn đề, trong đó có nhiều nội dung chủ chốt.

Thứ nhất, giúp nâng cao năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng. Hiện nay, sự dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính, công nghệ bán dẫn... Dự thảo Nghị định ra đời đảm bảo rằng Việt Nam có thể nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu. Hơn nữa, việc nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ, tạo thuận lợi cho DN. Dự thảo Nghị định kiểm soát chiến lược thương mại quy định rõ ràng phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng. Điều này giúp các DN, nhất là DN trong ngành công nghiệp tự động hóa có thể nắm bắt được những yêu cầu pháp lý cụ thể và thực hiện các giao dịch quốc tế một cách minh bạch và hợp pháp.

Hướng tới cân bằng cán cân thương mại

Cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi thay vì chỉ là nơi gia công, lắp ráp, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành trung tâm sản xuất và đổi mới công nghệ cao trong khu vực. Cộng đồng DN kỳ vọng Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược không chỉ là một bộ khung pháp lý, mà là một cơ hội để Việt Nam bứt phá.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam đề xuất, việc kiểm soát thương mại chiến lược không nên chỉ dừng lại ở quản lý xuất nhập khẩu công nghệ mà cần có những chính sách đi kèm để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước. Bởi, nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể tạo ra những DN công nghệ mang tầm vóc toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Nhấn mạnh việc Việt Nam đang hội nhập vô cùng sâu rộng, khi có tới 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), TS Võ Trí Thành cho rằng, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ là một cơ hội để Việt Nam nhìn lại về vấn đề xuất nhập khẩu (Bạn hàng xuất – nhập khẩu là những ai? Tại sao mất cân đối cán cân thương mại? Làm sao để thương mại không chỉ tăng trưởng mà còn bền vững, cân bằng, hài hòa lợi ích?)

Bên cạnh đó, nên chăng cơ quan quản lý cần xây dựng bộ chỉ số về thương mại chiến lược. Ở đó đo lường mức độ cân bằng cán cân thương mại theo khu vực, đối tác, đo lường sự hài lòng của DN với chính sách… Việc công bố minh bạch các chỉ số này sẽ thúc đẩy cải cách, tạo áp lực tích cực lên bộ máy thực thi chính sách.

“Tôi tin rằng, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ trả lời, giải được những bài toán trên để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU.” – TS Võ Trí Thành bày tỏ.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị