Các ngành xuất khẩu đồng loạt ‘nín thở' chờ đàm phán thuế
09/04/2025 14Đại diện các ngành xuất khẩu chủ lực chia sẻ những thách thức phải đối mặt đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ Nhà nước và sự chủ động từ doanh nghiệp để tìm đường sống trong bối cảnh đầy biến động.
Hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là ngành gỗ và dệt may đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ.
Cụ thể, ngành gỗ có khả năng sẽ đối diện với "vòng kim cô" kép từ thuế đối ứng và nguy cơ điều tra an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng "nín thở" chờ đợi kết quả đàm phán để tránh những tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu tỷ USD.
Nếu không thay đổi sẽ bị dồn vào chân tường
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã chia sẻ những khó khăn mà ngành gỗ đang phải đối mặt đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ Nhà nước và sự chủ động từ doanh nghiệp để tìm đường sống trong bối cảnh đầy biến động.
Lá thư chung của VCCI và AmCham bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tuyên bố về khả năng áp thuế của Tổng thống Trump. (Ảnh: Vietnam+)
Doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ đề nghị Chính quyền Hoa Kỳ hoãn áp thuế đối ứng
VCCI và AmCham cùng kiến nghị Chính quyền Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng, do lo ngại động thái này gây gián đoạn kinh doanh và ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Theo ông, ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với "vòng kim cô" kép từ chính sách thuế đối ứng mới 46% và nguy cơ bị áp thuế 25% do điều tra theo Khoản 232 về an ninh quốc gia. Do đó, nếu thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 9/4, nhiều sản phẩm gỗ xuất sang Hoa Kỳ sẽ không còn biên độ lợi nhuận.
Hiện tại, Việt Nam là quốc gia hàng đầu chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành với tổng kim ngạch tương đương 9,4 tỷ USD.
"Chúng tôi đều hiểu trong kinh doanh bỏ trứng vào một giỏ vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ 56,4% toàn bộ xuất khẩu gỗ, vì vậy tìm kiếm thị trường thay thế là rất khó," ông Hoài chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường để tìm ra lối đi mới, ông Hoài chia sẻ trong khó khăn, ngành gỗ đang phải nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tính đến việc nâng cao giá trị sản phẩm và nghiên cứu thị hiếu người Nhật để xuất khẩu đồ gỗ tiêu dùng thay vì chỉ là dăm gỗ như trước. Thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt đã từng bước tiến vào phân khúc cao hơn đã đấu thầu và xuất khẩu cả các công trình lớn, khách sạn cao cấp.
Đặc biệt, ông Hoài kiến nghị các cấp quản lý cần tăng cường kiểm soát gian lận thương mại, trong đó kiểm tra các doanh nghiệp FDI và xử phạt nghiêm các trường hợp gian lận. Ông nhấn mạnh cần đảm bảo minh bạch nguồn gốc. Cụ thể, Việt Nam cần chủ trương đi đầu trong việc thực hiện quy định của Liên minh châu Âu (EU) về không gây mất rừng và không gây suy thoái rừng, kiên quyết tuân thủ những quy định về môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cần chính sách kích cầu nội địa bài bản
Với kim ngạch xuất khẩu hơn 16 tỷ USD sang Hoa Kỳ, chiếm 35-40% thị phần xuất khẩu, ngành dệt may mong chờ đợi kết quả đàm phán về thuế đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chia sẻ những lo ngại về tác động của chính sách thuế mới đồng thời đề xuất các giải pháp để ổn định sản xuất và giảm thiểu rủi ro. Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đánh giá chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ là bất ngờ và vượt xa dự báo. Ông phân tích chính sách này có thể khiến nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ suy giảm, do giá cả tăng lên. Tuy nhiên, ông cho rằng lần này ít có sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng, do các nước khác cũng chịu mức thuế cao. Bên cạnh đó, các khu vực châu Phi, Mỹ La tinh mặc có những rào cản thấp hơn, nhưng năng lực sản xuất, quy mô sản xuất, tay nghề nhà sản xuất và mức độ ổn định về mặt xã hội, chính trị không cao.
Ngoài ra, ông Cầm đề xuất một số giải pháp để ổn định sản xuất và giảm thiểu rủi ro. Trong đó, Chính phủ cần có những chính sách kích cầu thị trường nội địa. Cụ thể, các bộ ngành cần có giải pháp bài bản nhằm thúc đẩy thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân nhằm bù đắp nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Hoa Kỳ đồng thời thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Mặt khác ông Cầm cho rằng ngành tài chính nên nghiên cứu giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân hay chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác, từ tạo ra động lực kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (như chưa cắt room tín dụng trong năm nay).
Song, ông Cầm nhấn mạnh cuối cùng vẫn là phải tự vận động. Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng phải thay đổi và đưa ra giải pháp cụ thể với khách hàng của mình.
Nguồn: Vietnamplus
- Hội thảo: Thuế Đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của Doanh nghiệp Việt Nam
- Ông Trump nâng thuế hàng Trung Quốc lên mức 'không tưởng' 245%
- Mỹ chuẩn bị điều tra dược phẩm, chất bán dẫn nhập khẩu làm cơ sở áp thuế mới
- Khai thác FTA: Định hình nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững
- Cần nghiên cứu kỹ thị trường khi xuất khẩu sang EU