Tin tức

Chủ động chuyển hướng thị trường, doanh nghiệp gỗ sẵn sàng ứng phó với chính sách thuế của Mỹ

09/04/2025    34

Việc áp thuế đối ứng 46% của Mỹ có thể ngay lập tức làm giảm số lượng đơn hàng và ngừng nhận đơn đặt hàng từ khách hàng, gây gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng...Tuy nhiên, ngoài việc đàm phán để chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa hai nước, về phía các DN cũng cần tìm giải pháp, chuyển hướng thị trường, giảm chi phí, duy trì sản xuất.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá, hiện các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình nên dễ chịu tác động từ thị trường cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đổi mới, hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm.

Thực tế, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam chưa thực sự ổn định và thiếu nguyên liệu gỗ lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của gỗ Việt với các thị trường xuất khẩu gỗ khác.

Bên cạnh đó, cũng theo Tổng Thư ký Viforest, mặc dù thị trường tiếp nhận sản phẩm gỗ của Việt Nam tương đối ổn định, song chưa thật sự đa dạng. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến những tác động không tốt, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện nay.

Do đó, liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng khi sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt, “xét riêng với ngành gỗ, tác động của chính sách thuế được dự báo sẽ rất nghiêm trọng. Bởi, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có giá trị xuất khẩu và thặng dư thương mại lớn nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam sang Mỹ” - Tổng Thư ký Viforest nói.

Tương tự, ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, HAWA đã khảo sát ý kiến từ 50 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc hiệp hội, cho thấy có tới 52% doanh nghiệp có thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, chiếm hơn 50% doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp.

Qua khảo sát, các doanh nghiệp cho rằng, trong ngắn hạn, việc áp thuế đối ứng của Mỹ có thể ngay lập tức làm giảm số lượng đơn hàng và ngừng nhận đơn đặt hàng từ khách hàng. Nhiều khách hàng đã thông báo ngừng đặt hàng hoặc yêu cầu hoãn giao hàng, gây gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó là áp lực về giá, khi một số khách hàng yêu cầu giảm giá sản phẩm. Điều này làm tăng gánh nặng cho các nhà cung cấp trong việc giữ giá cả ổn định, dù chi phí nguyên liệu và nhân công không giảm.

Mặt khác, doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng tồn kho lớn do không thể xuất khẩu hàng hóa đi, tạo áp lực tài chính và làm giảm khả năng sinh lời. Nhiều công ty phải đóng cửa nhà máy hoặc tạm ngừng sản xuất, dẫn đến tình trạng mất việc làm cho công nhân, khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Về khó khăn dài hạn, các doanh nghiệp ngành gỗ cho rằng, khi mức thuế này tiếp tục được áp dụng trong thời gian dài, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp càng rõ nét hơn. Đó là mất thị phần và giảm sức cạnh tranh với các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia hay Mexico là một trong những nguy cơ mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.

Khi các sản phẩm gỗ từ Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh do thuế quá cao, khách hàng sẽ chuyển sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn, khiến thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bị thu hẹp. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đối mặt với áp lực lớn về chi phí và cần phải thay đổi cơ cấu sản xuất, điều này không chỉ gây mất ổn định mà còn làm giảm lợi nhuận, thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Trước những khó khăn, thách thức ngành gỗ đang phải đối diện, Tổng Thư ký Viforest cho biết, trước mắt, dưới sự đồng hành của các Bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các hiệp hội địa phương và các doanh nghiệp gỗ Việt, đang chuẩn bị sẵn sàng để có thể tham gia có hiệu quả vào các cuộc điều trần để chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Mỹ là quan hệ bổ trợ cho nhau, cùng có lợi và hoàn toàn không gây hại cho công nghiệp gỗ Mỹ.

"Mới đây, tại buổi tiếp Đại sứ Mỹ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của hai nước có tính bổ trợ, không cạnh tranh lẫn nhau nên Việt Nam rất sẵn sàng mở cửa tiếp nhận nông sản của Mỹ" - ông nói.

Về phía các DN ngành gỗ, theo ông Ngô Sỹ Hoài, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng xem xét tăng sản phẩm nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là sản phẩm gỗ từ Mỹ (như gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer) để cân bằng cán cân thương mại và những giải pháp khác để phía Mỹ thấy được lợi ích cần hợp tác với Việt Nam…

Ngoài việc tập trung khẩn cấp các giải pháp ứng phó với thuế quan của Mỹ, cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tiếp cận các thị trường khác, trong đó cần chú ý đến những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Australia, châu Âu Nhật Bản, Trung Quốc và các thị trường mới Trung Đông,...

Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần chú trọng nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp gỗ. Bởi, muốn có ngành công nghiệp gỗ mạnh, đủ sức cạnh tranh để tiếp cận các thị trường tiềm năng, cần phải tập trung phát triển hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chất lượng cao. 

“Về lâu dài, doanh nghiệp gỗ Việt cần chuyển đổi mô hình kinh doanh từ chủ yếu gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu (OEM), sang chủ động mẫu mã (ODM) và xây dựng thương hiệu (OBM) để tăng hiệu quả kinh doanh” - Tổng Thư ký Viforest lưu ý.

Nguồn: VN Business