Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ: Bài học “tỉnh giấc” cho doanh nghiệp
09/04/2025 20Kịch bản đàm phám thuế quan của Việt Nam với Mỹ đi theo tháo gỡ hay xấu nhất cũng là bài học để các doanh nghiệp “tỉnh giấc”, không thể bỏ trứng vào một giỏ. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp.
Đó là nhấn mạnh của bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trước chính sách thuế quan mới của Mỹ.
4 trụ cột cần thay đổi
Theo bà Hằng cần sự vào cuộc nhanh chóng, hỗ trợ của Chính phủ để thị trường được khơi thông, gỡ các rào cản về kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông...Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác... tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn.
“Chúng tôi đánh giá cao về chính sách thuế và rất mong chính sách thuế mới sớm được đưa vào thực thi nhanh nhất đặc biệt là về hoàn thuế, giãn thuế... Bên cạnh đó cần nhanh chóng đưa mặt hàng thuỷ sản vào mặt hàng chế biến để hưởng ưu đãi phù hợp với ngành hàng chứ không phải chịu thuế cao đến 20% như hiện nay”, bà Hằng cho biết thêm
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy cho biết, sự thay đổi trong thời gian tới, đầu tiên chúng ta phải thích nghi sau đó dẫn dắt sự thay đổi. Việt Nam hiện là một trong hơn 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do vậy, trong bối cảnh bây giờ chúng ta phải ứng xử như một nước lớn.
Với các doanh nghiệp, ông Huy đề nghị có 4 trụ cột cần thay đổi: Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao như phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị. Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.
“Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Các doanh nghiệp cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi”, ông Huy nhấn mạnh.
Cần xây dựng ngành xuất khẩu bền vững
Chuyên gia Phạm Sỹ Thành nêu quan điểm, Việt Nam trải qua những lần thương chiến, lần này cần phải bình tĩnh. Chúng ta phải nhìn lại mô hình xuất khẩu, dựa vào FDI. Trong khi chúng ta phải đánh đổi nhiều lợi ích.
Trong dài hạn, Việt Nam cần thay đổi tăng trưởng và xuất khẩu cần xem xét. Trong bối cảnh các bất ổn thị trường xuất khẩu vẫn còn dài hạn, cần xây dựng các ngành xuất khẩu bền vững trong tương lai. Bởi, trong 10 năm tới những va chạm như vậy vẫn tiếp tục xảy ra, Mỹ - Trung Quốc vẫn sẽ giành nhau vị trí số 1.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản cho biết, Việt Nam đã chủ trương phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng đi đầu trong việc thực hiện quy định của EU về không gây mất rừng và không gây suy thoái rừng, kiên quyết tuân thủ những quy định về môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngành gỗ khẳng định các hoạt động thương mại cua ngành gỗ không liên quan đến thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp.
"Dưới thời đại Trump 1.0, nước Mỹ đã điều tra rất kỹ về vấn đề thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp của ngành gỗ Việt Nam. Chúng ta có nhiều phiên điều trần với Mỹ, và đã chứng minh được chúng ta không có gian lận thương mại hay xuất khẩu gỗ bất hợp pháp. Theo tôi, việc tự chứng minh sự minh bạch là mô hình hợp tác rất tốt, giúp cải thiện mỗi quan hệ thương mại, để đạt được mức “win - win” (cùng thắng)," ông Hoài nói.
Gỗ Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 161 thị trường khác nhau. Ngành gỗ có chi phí logistis rất lớn trong khi Mỹ có điều kiện thuận lợị nên lâu nay ngành gỗ của chúng ta hướng đến thị trường Mỹ và đặt kỳ vọng lớn vào thị trường này. Tuy nhiên, trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, chúng ta cần cơ cấu lại ngành hàng, thậm chí nếu đưa xuất khẩu về 0 cũng chấp nhận để đạt được bước tăng trưởng mới.
Nguồn: VOV
- Hội thảo: Thuế Đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của Doanh nghiệp Việt Nam
- Ông Trump nâng thuế hàng Trung Quốc lên mức 'không tưởng' 245%
- Mỹ chuẩn bị điều tra dược phẩm, chất bán dẫn nhập khẩu làm cơ sở áp thuế mới
- Khai thác FTA: Định hình nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững
- Cần nghiên cứu kỹ thị trường khi xuất khẩu sang EU