Giá sàn xuất khẩu gạo: Thành ý nhưng không khả thi
26/03/2025 69Thời gian gần đây, khi giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm khiến giá lúa trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất với Bộ Công Thương ý tưởng áp dụng giá sàn cho gạo xuất khẩu nhằm ngăn chặn đà giảm giá.
Đề xuất này xuất phát từ mong muốn bảo vệ nông dân và ổn định thị trường – một ý tưởng đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, có thể thấy việc áp dụng giá sàn đối với xuất khẩu gạo là không đơn giản, thậm chí là không khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Trước hết, gạo Việt Nam rất phong phú về chủng loại, từ gạo trắng thường như IR504, gạo thơm cao cấp như ST25, Jasmine 85, Đài Thơm 8, cho tới gạo đặc chủng như Japonica. Mỗi loại gạo đều mang đặc điểm riêng, từ chất lượng, giá trị đến chi phí sản xuất. Vì vậy, nếu áp dụng giá sàn, sẽ phải xây dựng mức giá riêng cho từng loại, một công việc đòi hỏi sự tính toán chi tiết và phức tạp. Hơn nữa, chi phí sản xuất lúa gạo còn khác nhau giữa các vùng trồng và vụ mùa. Một năm Việt Nam có thể có đến bốn vụ lúa, mỗi vụ lại chịu ảnh hưởng điều kiện thời tiết khác nhau và chi phí sản xuất khác nhau. Điều này khiến việc thiết lập giá sàn trở thành một phương trình có quá nhiều biến số và rất khó giải.
Giá sàn ở mức 450 USD/tấn - các khách hàng lớn như Philippines hay Trung Quốc có thể sẽ chọn nguồn cung rẻ hơn. Khi đó, giá sàn sẽ làm gạo Việt Nam trở nên khó cạnh tranh, dẫn đến tồn kho và gây thiệt hại cho chính những người nông dân mà chính sách giá sàn muốn hỗ trợ.
Ngay cả khi vượt qua được những vấn đề trên, việc thực thi giá sàn cũng không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn có thể tìm cách né tránh quy định, thí dụ như khai báo sai loại gạo – bán gạo phẩm chất cao nhưng khai thành phẩm chất thấp để bán dưới giá sàn – hoặc sử dụng các hình thức chiết khấu không chính thức khác cho khách hàng. Thậm chí, một số doanh nghiệp có thể áp dụng hợp đồng hàng đổi hàng để ẩn đi mức giá thực mua thực bán. Những hành vi này sẽ làm giảm hiệu lực của chính sách và để khắc phục, đòi hỏi phải có một hệ thống giám sát cồng kềnh và tốn kém, một thực tiễn hoàn toàn không phù hợp với chủ trương "tinh - gọn - mạnh" và tạo thông thoáng cho các hoạt động kinh doanh hiện nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có một quy trình pháp lý cụ thể cho việc áp dụng giá sàn, khiến các cơ quan chức năng khó lòng triển khai một cách minh bạch và hiệu quả.
Cuối cùng, không thể bỏ qua yếu tố vận chuyển. Phần lớn gạo xuất khẩu của Việt Nam được đưa qua cảng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển từ các tỉnh như An Giang và Long An đến cảng này không giống nhau. Một mức giá sàn có thể phù hợp với Long An nhưng lại gây bất lợi cho An Giang, tạo ra sự thiếu công bằng giữa các địa phương. Điều này càng làm tăng độ phức tạp khi xây dựng chính sách giá sàn.
Nguồn: Tạp chí Công thương
- Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Thời điểm để nhìn lại năng lực nội tại
- VCCI tổ chức hội thảo về thuế đối ứng của Hoa Kỳ
- Ông Trump nâng thuế hàng Trung Quốc lên mức 'không tưởng' 245%
- Mỹ chuẩn bị điều tra dược phẩm, chất bán dẫn nhập khẩu làm cơ sở áp thuế mới
- Khai thác FTA: Định hình nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững