Tin tức

Nắm bắt cơ hội, đổi mới để doanh nghiệp Việt không bỏ lỡ 'cuộc chơi' xanh

21/03/2025    20

Khi chuyển đổi xanh là một xu thế không thể thiếu trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt phải chủ động nắm bắt cơ hội, đổi mới, nâng cao năng lực để sẵn sàng gia nhập "cuộc chơi".

Theo Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (thuộc Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam), Chuyển đổi xanh một yêu cầu tất yếu, đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ từ Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Doanh nghiệp còn loay hoay

Tại Việt Nam, đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, các phân ngành của nền kinh tế theo hai xu hướng chuyển đổi xanh.

Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn nhanh chóng "nhập cuộc", đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).

Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét.

Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức.

Nêu lý do, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chính là thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi.

Dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Tùng cho biết, có khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. "Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó", ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) cho rằng, nhân lực là một rào cản của doanh nghiệp khi chuyển đổi xanh. Chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Song song với đó, công nghệ cũng là một thách thức với doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành có mức độ phát thải cao như dệt may. Hiện tại, khoảng 40% thiết bị trong ngành này đã lạc hậu, khiến việc giảm phát thải carbon trở thành một vấn đề nan giải.

Ông Đinh Hồng Kỳ nêu quan điểm: "Trong bối cảnh Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trên thị trường quốc tế, việc nâng cấp công nghệ và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh là bắt buộc".

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Huba, nhận thức của doanh nghiệp cũng là một rào cản lớn. Không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh và sẵn sàng đầu tư dài hạn cho quá trình này.

Tận dụng cơ hội từ đối tác, bạn hàng quốc tế

Bày tỏ lo ngại về vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định: "Nếu doanh nghiệp không thực hiện, nguy cơ bị loại khỏi thị trường là rất lớn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản".

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ dẫn bài học từ ngành dệt may. Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2023, do chậm thực hiện các tiêu chuẩn xanh, ngành dệt may Việt Nam đã sụt giảm mạnh, trong khi Bangladesh nhờ chuyển đổi kịp thời vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Vì vậy, doanh nghiệp cần "xắn tay" chuyển đổi xanh ngay bây giờ.

Để hóa giải những thách thức, thời gian tới, các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong hành trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần tận dụng các cơ hội hợp tác hỗ trợ từ đối tác, bạn hàng, nhà mua hàng quốc tế vì đây là bài toán chuyển đổi chung, trách nhiệm chung.

Nhiều nhà mua hàng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực hành chuyển đổi xanh, thực hành ESG để giảm bớt chi phí cơ hội cho việc đi tìm một đối tác, bạn hàng mới.

“Bên cạnh sự chủ động của các chủ doanh nghiệp, đội ngũ lao động cũng cần 'nhập cuộc' để lan tỏa văn hóa phát triển bền vững, từ đó, khai thác hiệu quả cơ hội từ chuyển đổi xanh”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh nhận thấy, doanh nghiệp cần chủ động và quyết tâm hơn trong chuyển đổi xanh. Đây không còn là một

"Các doanh nghiệp cần tự rà soát hoạt động sản xuất, cắt giảm công nghệ lạc hậu, tối ưu hóa quy trình để giảm phát thải. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý năng lượng, chuỗi cung ứng và sản xuất thông minh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế", ông Tạ Hoàng Linh gợi ý.

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Thời gian tới, kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh, chuyển mình, hòa nhịp cùng "làn sóng" này để đứng vững trước bối cảnh kinh tế toàn cầu luôn biến động.

Nguồn: Báo Quốc tế