Doanh nghiệp Việt kỳ vọng tiến sâu vào thị trường Kyrgyzstan
10/03/2025 30Thị trường Kyrgyzstan với nhiều dư địa phát triển công nghiệp và năng lượng đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt...
Kỳ vọng vào thị trường Kyrgyzstan giàu tiềm năng
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Kyrgyzstan tới Việt Nam, sáng 7/3, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Kyrgyzstan và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Bên lề sự kiện, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lê Anh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ Việt - công ty vừa ký văn bản ghi nhớ với Bộ Năng lượng Kyrgyzstan.
PV: Xin ông cho biết về tầm quan trọng của biên bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết đối với công ty?
Ông Lê Anh: Đối với công ty, biên bản ghi nhớ hợp tác là một hoạt động rất ý nghĩa. Không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Kyrgyzstan, và Công nghệ Việt là một trong những công ty đi đầu, thể hiện khát vọng vươn ra tầm khu vực của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng khẳng định rằng chuỗi cung ứng về phát triển điện lực ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của các nước xung quanh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới.
PV: Thưa ông, tại sao Công ty TNHH Công nghệ Việt lại chọn thị trường Kyrgyzstan để đầu tư?
Ông Lê Anh: Công ty TNHH Công nghệ Việt đã có 20 năm kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực xây lắp điện. Công ty cũng tham gia với các khách hàng chính như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công ty phát điện và các tổng công ty truyền tải điện và các nhà phát triển điện tư nhân.
Với kinh nghiệm triển khai ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng quy mô lưới điện ở Việt Nam bây giờ gấp mười lần quy mô lưới điện Kyrgyzstan. Hệ thống điện của họ cũng giống như Việt Nam khoảng 20 năm trước. Cho nên, chúng tôi tự tin có thể tham gia vào quá trình phát triển hệ thống điện của họ, bao gồm cả hạ tầng như đường dây, trạm, cũng như các nhà máy điện, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và thủy điện.
Hơn nữa, Kyrgyzstan là một thị trường mới. Đối với hệ thống điện, chúng tôi thấy khá tương đồng với nước ta. Đặc biệt, hệ thống điện của Việt Nam cũng xuất phát từ các nước Liên Xô cũ, và đối với Kyrgyzstan cũng vậy. Các tiêu chuẩn điện của Việt Nam đến giờ cũng đáp ứng cơ bản các tiêu chuẩn của IEC, tức là tiêu chuẩn của thế giới. Vì vậy, tính tương thích và tính đáp ứng là hoàn toàn có thể, ngoại trừ một vài điều kiện đặc biệt về khí hậu, ví dụ như ở bên họ là nước hàn đới nên có nhiệt độ âm. Tất cả những tiêu chuẩn về vận hành, mua sắm thiết bị có thể khác, nhưng không nhiều và đều tuân thủ theo quy định của IEC.
PV: Thưa ông, ngoài Kyrgyzstan, công ty còn có những kế hoạch dài hạn nào cho việc mở rộng thị trường quốc tế?
Ông Lê Anh: Công ty chúng tôi đã tham gia đầu tư ở New Zealand; tới đây sẽ tiếp tục thâm nhập vào các nước Trung Á, trước hết là Kyrgyzstan, sau đó có thể là Uzbekistan hoặc Sri Lanka, những nước có nhu cầu phát triển điện năng lớn. Chúng ta có cơ hội vì đã đi trước xu thế khoảng 5-10 năm, có thể sử dụng kinh nghiệm đã có để đóng góp cho sự phát triển của các nước bạn và đồng thời tìm kiếm cơ hội cho chúng ta.
Còn tại thị trường trong nước, nhu cầu phát triển điện trong nước rất lớn. Việc sửa đổi và triển khai Quy hoạch điện 8 là một tham vọng lớn để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, sẽ có rất nhiều việc đang chờ đợi Công nghệ Việt và các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Công Thương tiếp sức doanh nghiệp vươn ra biển lớn
PV: Công ty đánh giá như thế nào về vai trò của các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu?
Ông Lê Anh: Trong diễn đàn ngày hôm nay, chúng tôi thấy rõ vai trò của Bộ Công Thương trong các hoạt động xúc tiến thương mại song phương và đa phương. Đó là điều rất đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động xúc tiến, các cuộc gặp gỡ và trao đổi thương mại như thế này sẽ giúp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt có thêm thông tin và tự tin hơn trong các hoạt động và đầu tư ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, tôi mong rằng, Bộ Công Thương sẽ có thêm nhiều hơn nữa những hoạt động mang tính chủ đề chuyên sâu, chủ đề chuyên về năng lượng, chủ đề chuyên về xuất khẩu hải sản... Ngoài tổ chức xúc tiến với các đối tác khi họ đến Việt Nam, cần hơn nữa các sự kiện xúc tiến tại nước ngoài, hướng đến những vùng chưa có nhiều quốc gia phủ sóng đến, ví dụ như Trung Á.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: Báo Công Thương
- Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Thời điểm để nhìn lại năng lực nội tại
- VCCI tổ chức hội thảo về thuế đối ứng của Hoa Kỳ
- Ông Trump nâng thuế hàng Trung Quốc lên mức 'không tưởng' 245%
- Mỹ chuẩn bị điều tra dược phẩm, chất bán dẫn nhập khẩu làm cơ sở áp thuế mới
- Khai thác FTA: Định hình nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững