Canada, Trung Quốc, Mexico ứng phó cuộc chiến thương mại ra sao?
07/03/2025 28Đứng trước các mức thuế khơi mào một cuộc chiến thương mại mới trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, các nước như Canada và Trung Quốc có thể tận dụng bài học từ lần thương chiến trước.
Nhiều kế sách
"Nếu chiến tranh là điều mà Mỹ muốn, dù là chiến tranh thuế quan hay bất kỳ loại chiến tranh nào, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đến cùng" - Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đăng tải trên X vào tối 4-3 (giờ Mỹ), nhấn mạnh sự sẵn sàng đối đầu của Bắc Kinh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc họp báo ngày 4-3 thừa nhận mức thuế 25% của Mỹ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Canada, nhưng ông Trump cũng sẽ phải nhận ra việc tăng thuế sẽ tác động tiêu cực đến cả đôi bên.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, 17% hàng xuất khẩu của Mỹ là sang Canada, trong khi hơn 75% hàng xuất khẩu của Canada là sang Mỹ.
Canada trước đây đã từng tham gia "cuộc chiến thuế quan" với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Khi đó, ông Trump đã áp thuế 10% đối với nhôm của Canada và 25% đối với thép.
Ottawa đã trả đũa bằng cách áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như nước cam, rượu whisky và bourbon. Cuối cùng, cả hai đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan chỉ trong một năm sau đó.
Ông Peter Clark, luật sư từng làm việc về chính sách thương mại tại Bộ Tài chính Canada, nhận định biện pháp đánh thuế có mục tiêu thường là cách tiếp cận đầu tiên và an toàn nhất. Bằng cách nhắm vào một số mặt hàng nhất định, Canada có thể đáp trả Mỹ mà không gây ảnh hưởng quá nhiều lên người dân.
Trung Quốc ngày 4-3 đã công bố đánh thuế nhập khẩu từ 10 - 15% đối với một số mặt hàng nông sản và thực phẩm từ Mỹ, trong đó có thịt gà, lúa mì, ngô, đậu nành.
Ông Alfredo Montufar-Helu, chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức Conference Board, nhận định thuế quan trả đũa của Bắc Kinh là "cách tiếp cận kiềm chế, có mục tiêu, nhằm gây tổn hại cho những ngành công nghiệp quan trọng đối với những người ủng hộ ông Trump".
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Bắc Kinh đã cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng nông sản của Mỹ bằng cách thúc đẩy sản xuất trong nước và mua nhiều hơn từ các quốc gia như Brazil.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước đây đã mở ra chiến lược "Trung Quốc +1", khi các doanh nghiệp chọn một quốc gia khác để mở rộng sản xuất nhằm tránh việc hàng hóa bị đánh thuế khi vào Mỹ.
Campuchia là ví dụ điển hình khi chiến tranh thương mại dẫn đến sự bùng nổ đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này. Chính phủ Campuchia cho biết hơn một nửa số nhà máy trong nước hiện thuộc sở hữu của Trung Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỉ USD.
Cuộc chiến thương mại còn dài
Thủ tướng Trudeau cho biết Chính phủ Canada đang có trao đổi với các tỉnh nhằm theo đuổi một số biện pháp phi thuế quan nếu việc đánh thuế lên hàng hóa Canada không kết thúc.
Ông Doug Ford, thủ hiến tỉnh Ontario, cũng đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Mỹ để đáp trả thuế quan. "Nếu họ muốn cố gắng hủy diệt Ontario, tôi sẽ làm mọi thứ, bao gồm cả việc cắt nguồn năng lượng của họ với một nụ cười trên môi", ông Ford phát biểu trước báo giới.
Đối với Mexico, Tổng thống Claudia Sheinbaum cho biết nước này sẽ công bố danh sách các mặt hàng Mỹ bị áp thuế trả đũa vào ngày 9-3 tới. Động thái trì hoãn của bà Sheinbaum cho thấy Mexico đang hy vọng sẽ giảm leo thang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bà Sheinbaum cũng cho biết bà có kế hoạch thảo luận với ông Trump trong tuần này.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
- Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Thời điểm để nhìn lại năng lực nội tại
- VCCI tổ chức hội thảo về thuế đối ứng của Hoa Kỳ
- Ông Trump nâng thuế hàng Trung Quốc lên mức 'không tưởng' 245%
- Mỹ chuẩn bị điều tra dược phẩm, chất bán dẫn nhập khẩu làm cơ sở áp thuế mới
- Khai thác FTA: Định hình nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững