Tin tức

Làm gì để nâng cao chất lượng tăng trưởng?

20/01/2025    23

Theo chuyên gia, để đảm bảo triển vọng kinh tế tích cực vào năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng thâm sâu, tập trung vào cải thiện năng suất, đổi mới sáng tạo và phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Các động lực hiện vẫn mang tính tăng trưởng mở rộng

Trả lời TBTCVN, ông Jonathan London - Cố vấn kinh tế của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, phần lớn động lực tăng trưởng hiện tại của Việt Nam vẫn dựa vào các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ và xây dựng, với sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, các lĩnh vực này chủ yếu mang tính tăng trưởng mở rộng, dựa trên việc tăng vào lao động và vốn thay vì cải thiện hiệu quả và giá trị gia tăng. Dù hiệu quả trong ngắn hạn, cách tiếp cận này đối mặt với sự giảm dần lợi ích và không đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài.

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Thu Trà - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh tế và Tài chính (Đại học RMIT Việt Nam) cho biết, có một nghịch lý là tỷ trọng xuất khẩu dựa trên gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp Việt đã tăng mạnh những năm qua. Các doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở công đoạn lắp ráp, vốn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Vị trí thấp trong chuỗi giá trị khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh, lợi nhuận thấp và khó mở rộng thị trường quốc tế. Hơn nữa, phần lớn nguyên liệu đầu vào đều nhập khẩu, khiến tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trên tổng sản lượng xuất khẩu thấp.

Theo ông Jonathan, mặc dù có nhiều bàn luận về công nghiệp hóa 4.0 và sự lạc quan mới về đầu tư nước ngoài, nhưng bằng chứng gần đây cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ rất cao rơi vào bẫy thu nhập trung bình, do tăng trưởng năng suất chậm và việc các cải cách kinh tế chưa đủ để khuyến khích đầu tư vào con người, công nghệ và hạ tầng thiết yếu. Để đảm bảo triển vọng kinh tế tích cực vào năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng thâm sâu, tập trung vào cải thiện năng suất, đổi mới sáng tạo, và phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư có mục tiêu vào giáo dục, nâng cao kỹ năng lao động, tăng cường nghiên cứu và phát triển, cũng như hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho năng lực công nghệ trong nước.

Cải cách để hướng tới tăng trưởng thâm sâu

Khuyến nghị chính sách để thoát khỏi xu hướng này, vị chuyên gia của UNDP khẳng định, Việt Nam cần có những thay đổi quyết định trong một số lĩnh vực. Ông cho biết, cần thừa nhận rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam - mặc dù đã có nhiều dấu hiệu cải thiện - vẫn chưa tạo ra được số lượng và chất lượng lao động có kỹ năng mà Việt Nam cần trong tương lai. Đầu tư vào giáo dục đại học, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp - ngay cả trong khu vực Đông Nam Á - điều này không cho thấy một quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất. “Vấn đề không phải là “ném tiền” vào giải pháp này, mà là phải tập trung gấp đôi nỗ lực để giải quyết nút thắt này. Các cải cách của Chính phủ sắp tới là cơ hội tốt để thực hiện điều này”- ông Jonathan London chia sẻ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần gửi một tín hiệu rõ ràng đến các đối tác trong nước và quốc tế rằng, quốc gia đang tập trung và cam kết cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng năng lượng quan trọng. Ông cũng nhấn mạnh rằng, những đột phá quan trọng trong hiệu suất của Việt Nam sẽ không xảy ra nếu Việt Nam không thực hiện các thay đổi then chốt trong chính sách kinh tế vĩ mô và sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Cần cải cách để tạo điều kiện và khuyến khích đầu tư công và tư cũng như trong nước và quốc tế vào các lĩnh vực thúc đẩy năng suất như nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, hạ tầng quan trọng. Việc này đòi hỏi các chính sách và khung pháp lý phải thể hiện rõ ý định của chính phủ trong việc cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Ở các quốc gia thành công như Hàn Quốc và Đài Loan, và thậm chí là Trung Quốc, các khoản đầu tư vào kỹ năng và công nghệ của các doanh nghiệp nội địa đóng vai trò thiết yếu trong thúc đẩy tăng năng suất. Hiện tại, nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân, không đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng hoặc áp dụng các công nghệ cao hơn vì thiếu động lực và vì vốn vẫn còn quá khó tiếp cận trên các thị trường vốn trong nước.

“Bất kỳ cuộc thảo luận nào về chất lượng tăng trưởng cũng cần xem xét mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố mà tôi đã đề cập. Việc không làm như vậy sẽ chỉ dẫn đến những “hòn đảo” tăng trưởng chất lượng cao, năng suất cao trong một “biển” các ngành công nghiệp năng suất thấp, kỹ năng thấp, giá trị gia tăng thấp, bị kìm hãm bởi cơ sở hạ tầng không đủ và thiếu các động lực đầu tư. Đây chính là bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam cần tránh. Năm 2025, Việt Nam cần có các chính sách và hành động cần thiết để giải quyết các lĩnh vực này”- ông Jonathan London khẳng định.

Nguồn: Thời báo Tài chính