Tin tức

Năm 2025: Đổi mới thành công, Việt Nam sẽ có những bước tiến kỳ diệu

07/01/2025    273

Việt Nam đang bước vào năm 2025 với rất nhiều kỳ vọng và công việc bộn bề phía trước. Đây là năm tăng tốc để về đích kế hoạch 5 năm và chuẩn bị các yếu tố nền tảng, làm tiền đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Cũng trong năm này, chúng ta thực hiện sắp xếp bộ máy, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và phấn đấu tăng trưởng cao trên 8%. Nhân dịp này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về việc thực hiện các mục tiêu lớn của năm 2025.

PV: Thưa ông, năm 2025, Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng trưởng 8% cho năm 2025. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu cao như vậy?

TS. Nguyễn Đình Cung: Để bước vào được kỷ nguyên vươn mình, ngay từ năm 2025 phải có một thay đổi lớn, tạo bước ngoặt để hướng tới tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Do đó, năm 2025 vẫn phải ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định vĩ mô.

Năm 2024 chúng ta đã có những kết quả tích cực, vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Các chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt kế hoạch. Trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 7% hoặc hơn, đây là mức cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu và khát vọng đặt ra cho các năm 2030 - 2045, chưa đủ để bước vào kỷ nguyên vươn mình. Hơn nữa, tăng trưởng vẫn đang trong xu thế suy giảm.

Nhìn lại 4 thập kỷ Đổi mới, đất nước đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thế và lực tăng lên, nhưng cứ sau mỗi thập kỷ tăng trưởng GDP lại có xu hướng suy giảm. Thập kỷ đầu tiên GDP tăng 7,6%, thập kỷ thứ hai tăng 6,6%, 10 năm tiếp theo tăng 6,32%. Và nếu năm 2025, GDP tăng được 7 - 7,5% thì GDP trung bình của thập kỷ thứ 4 này chỉ ở mức 5,9% - 6%. Như vậy vẫn tiếp chiều đi xuống.

Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bứt tốc để tăng trưởng cao hơn trong năm 2025 là rất quan trọng để hoàn thành cao nhất kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề cho giai đoạn tới.

PV: Vậy để bứt tốc trong năm tới, thì cần tập trung những giải pháp gì, khi mà chúng ta cũng phải thực hiện các nhiệm vụ hết sức quan trọng là sắp xếp bộ máy, đổi mới hệ thống pháp luật, chuẩn bị cho Đại hội Đảng?

TS. Nguyễn Đình Cung: Rõ ràng năm tới chúng ta có những nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn và cấp bách… Nhưng thời gian và cơ hội không chờ đợi chúng ta.

Nhìn vào vĩ mô, các số liệu là rất tốt, tăng trưởng cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Nhưng nhìn số liệu mang tính chất nền tảng thì có những băn khoăn khác. Lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng đang là một động lực nhưng tiêu dùng dân cư thì liên tục suy giảm. Đầu tư tăng rất thấp, nhất là đầu tư tư nhân. Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm, sức khỏe khu vực doanh nghiệp còn yếu…

Để giải quyết được những vấn đề đó, trước hết phải tháo bỏ các điểm nghẽn thể chế để môi trường kinh doanh khởi sắc, hoạt động đầu tư kinh doanh sôi động, niềm tin thị trường được nâng cao, từ đó khơi thông nguồn lực rất lớn của đất nước. Lấy lại được niềm tin để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì tăng trưởng cao là điều có thể.

PV: Lâu nay chúng ta cũng đã nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc thể chế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Vấn đề nằm ở đâu, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Do tư duy làm luật cũ, không theo kịp thực tế, cách tiếp cận không đúng hướng đã đưa chúng ta xa dần mục tiêu, dần dần, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Phân tích về thể chế thì rất rộng, ở đây tôi chỉ muốn nói tới các luật lệ, quy định pháp luật. Các loại luật lệ, thủ tục hành chính quá nhiều, xin lên xin xuống, xin ngang xin dọc khiến thủ tục một dự án có thể kéo dài đến 4 - 5 năm, thậm chí 7 năm.

Vì có quá nhiều luật nên luật lệ chồng chéo nhau. Không chỉ chồng chéo ở luật mà dưới nghị định, thông tư cũng như ma trận, “cài răng lược” bởi những quy định mâu thuẫn, khác biệt, gây tắc nghẽn nghiêm trọng.

Tư duy phổ biến là không quản được thì cấm hay nói cách khác là cho phép làm thì phải quản. Tư duy này dẫn tới việc cơ quan nào cũng cứ đặt ra rất nhiều luật lệ, trạm kiểm soát, dần dần nó trở thành các rào cản.

Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại, sợ trách nhiệm của một số cán bộ, cơ quan khiến cho một việc trước đây chỉ liên quan đến một hay hai cơ quan thì bây giờ có xu hướng là phải xin ý kiến nhiều nơi, qua nhiều cơ quan hơn, khiến thời gian xử lý công việc càng kéo dài.

PV: Vấn đề đã được nhận diện rõ, vậy theo ông, cần tháo gỡ từ đâu?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi rất tâm đắc với yêu cầu được Tổng Bí Thư Tô Lâm nêu trong bài phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8. Đó là phải “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.

Đây là bước chuyển lớn về tư duy, thể hiện quyết tâm thay đổi mạnh mẽ. Bước chuyển này cần được thể hiện bằng các quy định pháp luật mới, dứt khoát thay đổi việc luật lệ ban hành ra chỉ để quản lý. Luật pháp về kinh tế phải khuyến khích, tạo cơ hội phát triển, khích lệ tinh thần tự do kinh doanh.

Cùng với việc chúng ta đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thì tương tự cũng phải rà soát, bỏ bớt luật vì nhiều luật đang trùng lắp nhau. Chẳng hạn như Luật Đầu tư công đang trở nên không cần thiết, Luật Đầu tư thì chỉ cần khuyến khích và bảo hộ đầu tư còn thủ tục, xét duyệt về đầu tư thì nên bỏ vì trong kinh tế thị trường, làm gì, ở đâu và như thế nào, với ai… là để nhà đầu tư quyết định, không phải cơ quan nhà nước can thiệp...Từng bước như vậy, chúng ta sẽ dọn dẹp, gỡ bỏ tình trạng tắc nghẽn, “cài răng lược” trong các quy định. Đây là những việc không dễ nhưng cũng không còn thời điểm nào thuận lợi hơn khi chúng ta đang thực hiện cùng lúc việc sắp xếp lại bộ máy, đổi mới cách làm luật.

Như nhiều người đã nói, lúc này là một cuộc đổi mới lần thứ 2. Phải quyết tâm đổi mới cùng lúc cả về tư duy, hệ thống pháp luật, bộ máy, mới có sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mới có được sự thay đổi và bứt phá, đạt được mục tiêu. Và tôi thấy đây là một cơ hội lớn với những người hành động lớn.

Làm được những điều này, Việt Nam sẽ có những bước đi kỳ diệu hơn trong chặng đường phát triển tới, hiện thực hóa kỷ nguyên vươn mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thời báo Tài chính